Trong những năm gần đây, rác điện tử được coi là mỏ vàng . Trên thực tế, có nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng các nhà máy chiết xuất vàng từ những bãi rác điện tử. Chẳng hạn, thị trấn Guiyu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) được biết tới là bãi rác chất thải điện tử lớn nhất trên thế giới. Vào lúc cao điểm, bãi rác này này tiếp nhận khoảng 15.000 tấn rác thải điện tử/ngày, gồm điện thoại di động, máy tính, ổ cứng… từ nhiều nơi đổ về.
Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc, với tốc độ xử lý trung bình mỗi năm tại bãi rác điện tử Guiyu, khối lượng vàng thu được có thể lên tới hơn 2.000 tấn vàng.
Do đó, cứ đến cuối năm, bãi rác Guiyu sẽ đóng cửa để tiến hành tổng hợp các bộ phận có thể chiết xuất vàng từ những thiết bị điện tử , sau đó đưa đến khu chuyên chiết vàng.
Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một quốc gia rất quan tâm tới việc chiết xuất vàng từ rác điện tử. Minh chứng là một nhà máy ơ thành phố Hiratsuka, thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, được xây dựng để xứ lý các bảng mạch điện tử và trang sức. Nhà máy này xử lý khoảng 3.000 tấn rác thải gồm mạch điện tử và trang sức được tái chế mỗi năm.
Do nhu cầu tái chế ngày càng tăng nên ông Akio Nagaoka, người đứng đầu nhà máy, bày tỏ muốn mở rộng việc thu gom kim loại quý từ rác điện tử không chỉ ở Nhật mà còn ở tại khu vực vực ASEAN.
Hiện nay, vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% trong nguồn cung toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), do sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, nên việc thu hồi vàng từ các thiết bị gia dụng cũ, điện thoại thông minh… đang trở nên quan trọng.
Cục Bảo vệ Mội trường Mỹ (EPA) ước tính, nếu chúng ta tái chế được 1 triệu chiếc điện thoại thông minh thì sẽ phục hồi khoảng 9.071,85 kg đồng; 9,071 kg palladim, 249,48 kg bạc và đặc biệt là 22,68 kg vàng.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, tỷ phú Peter Palanugool, Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office (Thái Lan), bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan để có thể xúc tiến nhanh về đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác điện tử thành vàng. Dự án này có giá trị đầu tư ước tính vào khoảng 2.400 tỷ đồng.
Đây cũng là 1 trong 10 dự án mà Tập đoàn Bangkok Assay Office và tỉnh Bình Định đã ký về biên bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư.
Bangkok Assay Office được thành lập từ năm 1985 và chủ yếu quan tâm đến các lĩnh vực như chế biến vàng từ rác điện tử, khu nghiên cứu và đào tạo, sản xuất công nghệ, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI), các loại chế phẩm hóa học, công nghệ nano, nhà máy sản xuất mỹ phẩm, nhà máy sản xuất container… Tuy nhiên, chế biến vàng từ rác vẫn được coi là mảng kinh doanh chính của tập đoàn đến từ Thái Lan.
Vậy, công nghệ chế biến vàng từ rác điện tử của Tập đoàn Bangkok Assay Office có gì đặc biệt?
Theo đại diện của Bangkok Assay Office, tập đoàn mong muốn cung cấp những kim loại quý có chất lượng và tiêu chuẩn được chấp nhận trên thị trường quốc tế, giúp biến Thái Lan trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất toàn cầu về mảng kinh doanh này. Trong đó, tập đoàn sử dụng công nghệ quang phổ ICP để tiến hành phân tích, kiểm tra chất lượng kim loại trước khi tinh luyện, từ đó giúp sản phẩm vàng của họ có độ tinh khiết rất cao.
Ngoài chế biến vàng miếng có độ tinh khiết cao, Tập đoàn Bangkok Assay Office còn cung cấp những dịch vụ như thách chiết, làm sạch, kiểm định kim loại quý, với độ chính xác rất cao bằng cách dùng nhiều quy trình, sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định, Nikkei, WGC, CGTN