Người Việt không kém
Trước thông tin “ Năng suất lao động: Mỗi lao động Việt làm ra 102 triệu/năm, bằng 1/30 Singapore ”, và đứng top cuối ở ASEAN, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: Năng suất lao động là vấn đề khá phức tạp. Nếu lấy GDP chia cho số lao động thì năng suất lao động Việt Nam thực sự rất thấp so với các nước trong khu vực.
Năng suất lao động Việt Nam còn có sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề. Ảnh: Lương Bằng
“Ngay trong một nhà máy chẳng hạn nếu có nhiều robot hoặc máy tự động thì năng suất sẽ cao. Năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào công cụ, máy móc, công nghệ chứ không chỉ kĩ năng con người. Nếu nói năng suất lao động thấp rồi bảo phải tăng cường đào tạo thì chỉ đúng một phần nhỏ”, vị lãnh đạo DN này chia sẻ.Thế nhưng, vị này cho rằng: Thực tế người lao động của Việt Nam với người lao động của nước khác trong cùng một điều kiện lao động thì không chênh nhau là mấy. Sự khác biệt về năng suất lao động thể hiện ở chỗ ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Trên thực tế, qua nhiều cuộc trao đổi với phóng viên, giám đốc phụ trách nhân sự của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, khi hỏi về chất lượng và khả năng của lao động Việt Nam trong nhà máy, thì hầu hết đều đưa tay thể hiện biểu tượng “like”.
“Khi chúng tôi hỗ trợ người lao động Việt Nam đi thi tay nghề thế giới, thì lao động Việt Nam luôn đạt thứ hạng rất cao, kể cả là giải vàng”, lãnh đạo một DN FDI kể.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh, chỉ số năng suất lao động thấp không có nghĩa là người Việt Nam không chuyên cần bằng các nước hay người nước ngoài làm cùng một việc nhanh hơn. Có những ngành của Việt Nam năng suất rất cao và một số nước tìm cách hạn chế các sản phẩm Việt xuất khẩu sang.
Lao động kỹ năng cao của Việt Nam vẫn tạo ra năng suất không thua kém các nước. |
Nhưng vì sao thứ hạng năng suất lao động vẫn thấp? |
Tại hội nghị về cải thiện năng suất lao động do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) “khoe”: Chúng tôi hoạt động trong ngành công nghệ cao nên năng suất lao động đương nhiên rất cao. Năng suất lao động của chúng tôi khoảng 230.000 USD một người một năm.
"Với Việt Nam, nếu so sánh từng cá nhân thì không phải là người Việt Nam không phải không khéo léo, không cần cù. Tuy nhiên, từng cá nhân tốt nhưng trong một tập thể, tổ chức, chúng ta lại kém. Chính điều này khiến năng suất lao động Việt Nam kém", Ông Lê Đăng Dũng cắt nghĩa.
Đồng tình rằng năng suất lao động liên quan công nghệ mới – công nghệ cũ, năng lực quản trị, nhưng lãnh đạo Viettel cho rằng còn một điều khác quan trọng hơn. Đó là quy hoạch lại ngành nghề, quy hoạch lại địa phương và quy hoach doanh nghiệp.
“Điều quan trọng nhất là phải quy hoạch lại. Đầu tiên là quy hoạch ngành nghề, xem người Việt Nam hợp với ngành gì thì quy hoạch phát triển. Ví dụ người Việt Nam rất hợp với công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ…”, ông Lê Đăng Dũng nói, tránh tình trạng “ai cũng coi ngành mình là nhất”, tránh tình trạng ngành mũi nhọn lên đến hàng chục, hàng trăm”.
Với quy hoạch địa phương và quy hoạch doanh nghiệp, đại diện Viettel cho rằng không nên dàn trải, không nên địa phương nào cũng quan trọng mà cần tập trung đầu tư cho một số địa phương dẫn đầu, trên cơ sở đó kéo cả nước đi lên. Doanh nghiệp cũng cần có những doanh nghiệp dẫn đầu, làm nền tảng dẫn dắt các DN khác đi lên.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương cho rằng: Năng suất lao động thấp không phải do người Việt Nam lười, không phải người Việt Nam không khéo léo. Nhưng năng suất lao động vẫn thấp, có nghĩa GDP (tổng sản phẩm quốc nội) được tạo ra không bởi chỉ lao động, mà còn được tạo ra bởi những thứ khác nữa.
“Năng suất phụ thuộc vào di chuyển hiệu quả các nguồn lực vào những sản phẩm, ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhất. Có nghĩa phải tìm và xóa bỏ các rào cản để nguồn lực di chuyển vào đó. 3 rào cản chính là năng lực của người lao động, quản trị của DN, cuối cùng là năng lực thể chế và quản lý ở tầm vĩ mô.
Về năng lực thể chế và quản lý ở tầm vĩ mô, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chúng ta phải chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, theo đúng tinh thần thị trường là một trong những nhân tố quan trọng quyết định việc phân bổ nguồn lực.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước ASEAN. Tính theo giá so sánh năm 2010, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines
"Dù dùng thước đo nào đi chăng nữa thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp xa so với các nước trong khu vực", Bộ LĐ-TB&XH nhận định.