Tại Ấn Độ, một món cà ri không có hành tây sẽ bị nhiều người coi là thiếu sự tôn trọng.
Chính vì vậy, ngay cả một sự thay đổi nhỏ về giá của loại củ này cũng sớm trở thành chủ đề bàn tán trên bàn ăn của hàng trăm triệu người dân cả nước. Và điều này đã xảy ra trong suốt năm qua.
Theo Ủy ban Thị trường Sản phẩm Nông nghiệp Lasalgaon, tại chợ bán buôn hành tây lớn nhất Ấn Độ, giá hành sống đã tăng 165% trong năm qua. Giá các loại rau khác cũng tăng cao, chẳng hạn như cà chua, hiện có giá gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời tiết xấu là nguyên nhân gây ra sự tàn phá mùa màng. Hạn hán năm ngoái và đợt nắng nóng đang diễn ra đã làm gián đoạn nguồn cung cấp các loại thực phẩm chủ yếu như ngũ cốc và rau quả.
Nhiệt độ ở nhiều vùng rộng lớn của Ấn Độ cao hơn khoảng 4 đến 9 độ C so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm. Nhiệt độ cao đã làm hỏng một lượng lớn rau mới thu hoạch, đang lưu trong kho và đe dọa dừng việc trồng một loạt cây trồng mới.
Giá thực phẩm, tăng 8,7% hàng năm trong cả tháng 4 và tháng 5, chiếm gần một nửa rổ giá tiêu dùng tổng thể. Giá thực phẩm tăng mạnh đã khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương Ấn Độ, khiến ngân hàng trung ương không thể cắt giảm lãi suất.
"Nền kinh tế Ấn Độ vẫn là 'con tin' của những cú sốc giá lương thực đan xen lẫn nhau", ông Michael Patra, phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cho biết trong tuyên bố tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất.
Bộ trưởng Thực phẩm Sanjeev Chopra trả lời phỏng vấn: "Áp đặt giới hạn tồn kho chỉ là một lựa chọn. Chúng tôi có sẵn nhiều công cụ khác để đảm bảo giá thực phẩm không tăng bất thường". Chính phủ cũng có thể xóa bỏ thuế nhập khẩu - hiện đang ở mức 40% để giữ giá ở mức thấp.
Có những dấu hiệu cho thấy những áp lực chi phí này khó có thể sớm giảm bớt do thời tiết xấu hơn. Tuần này, ít nhất 200.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở khu vực đông bắc Ấn Độ, khu vực trồng lúa trọng điểm.
Trước đó, ngày 4/5, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu hành tây . Thông báo được đưa ra một ngày sau khi các nhà chức trách nước này cho biết sẽ nâng thuế xuất khẩu lên 40%.
Cùng với việc dỡ bỏ lệnh cấm, Chính phủ Ấn Độ cũng công bố giá xuất khẩu tối thiểu đối với hành tây là 550 USD/tấn.
Trước đó vào tháng 12/2023, Chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành tây và đã gia hạn lệnh cấm này vào tháng 3/2024.
Sản lượng hành tây của Ấn Độ trong vụ Xuân năm 2024 ước tính là 19,1 triệu tấn. Đây là mức sản lượng cao cho phép các thương gia ngoài phục vụ thị trường trong nước có thể bán ra nước ngoài, do mức tiêu thụ hàng tháng trong nước là khoảng 1,7 triệu tấn.
Việc thay đổi chính sách của các nhà quản lý tại quốc gia xuất khẩu rau củ lớn nhất thế giới diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử quốc gia, khi Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực đạt được một nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi nữa.
Hành tây, thành phần chính trong các loại thực phẩm chủ yếu của Ấn Độ là mặt hàng nông sản nhạy cảm về chính trị. Tại quốc gia Nam Á này, hành tây thường được trồng ba lần một năm - vào mùa mưa, mùa Đông và mùa Hè.
Các thương nhân ước tính rằng Ấn Độ, quốc gia có thời gian vận chuyển ngắn hơn các nước khác Trung Quốc hay Ai Cập ở nhiều thị trường, chiếm hơn một nửa tổng lượng hành tây nhập khẩu của các nước châu Á.
Trong 12 tháng, tính đến 31/3/2023, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 2,5 triệu tấn hành tây .
Tham khảo: CNBC