Theo Bộ NN&PTNT , sản lượng lúa sản xuất tại ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu (XK) của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ nông dân; đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy công nghiệp chế biến và XK gạo…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực hiện chủ trương phát triển bền vững vùng ĐBSCL , đặc biệt là Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL cũng đang tồn tại những khó khăn, hạn chế và tiềm ẩn một số nguy cơ thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường...
Vùng ĐBSCL sản xuất khoảng 24-25 triệu tấn lúa mỗi năm. Ảnh: CK
Mục tiêu tổng quát của đề án là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trên quy mô lớn, nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và XK hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với BĐKH.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500 nghìn ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo).
Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 80% diện tích thu hoạch. Lượng gạo XK có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 760.000 tấn (chiếm 20% sản lượng gạo trong vùng đề án)…
Một trong những mục tiêu lớn nhất của đề án là tăng lợi ích cho người trồng lúa. Ảnh: CK
Theo khái toán vốn đầu tư, bình quân 1 ha lúa chất lượng cao được đầu tư 40 triệu đồng. Tổng đầu tư từ năm 2023- 2030 là 40.048 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; vốn ngân sách nhà nước thực hiện đề án được chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đào tạo và tập huấn cho hợp tác xã và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo Phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL (Ban chỉ đạo) hôm 30/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, năm 2023 là một năm nhiều thách thức, hiện tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn chủ động, tuy nhiên đầu ra thị trường rất khó khăn.
Ban chỉ đạo cần đẩy mạnh xây dựng và tập trung thực hiện một số vấn đề, đề án lớn. Phát huy nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế đã, đang và sẽ được triển khai tại vùng.
Đặc biệt, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị. Mục tiêu lớn nhất của đề án này là tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, gia tăng giá trị, tăng lợi ích cho người dân, sâu hơn là tổ chức lại ngành hàng lúa gạo.