1 tuần đã trôi qua kể từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, nhưng tình hình tại sân bay Kabul ngày càng trở nên hỗn loạn. Hơn 20.000 cư dân tụ tập bên trong và ngoài sân bay, cố kiếm được cho mình một suất lên máy bay rời khỏi đất nước. 7 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, giữa đợt vận chuyển hàng không lớn nhất lịch sử.
Sân bay Kabul lúc này giống như trung tâm của sự hỗn loạn, nơi hàng chục ngàn người chen nhau tìm đường bỏ trốn. Trong số đó có cả người nước ngoài, phóng viên người Afghanistan, và những người phụ nữ không muốn phải chịu đựng rủi ro dưới các quy định và luật lệ của Taliban.
Tính đến sáng ngày 22/8, số người chờ đợi tại sân bay là 18.500 người, cộng thêm 2000 người nữa đứng ở cổng - theo nguồn tin cung cấp cho CNN. Sự hỗn loạn này được cho là bắt nguồn từ chính sách cấp visa điện tử dành cho những người nộp đơn xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV). Bản visa này không có tên hay số chứng thư kèm theo, nên đã bị sao chép, chụp ảnh màn hình và gửi cho hàng ngàn người Afghanistan khác vốn không đủ điều kiện để rời đất nước.
Trong suốt ngày 22/8, mọi chuyện dần leo thang. Gần như mọi cổng vào sân bay đều được đóng chặt. Nhiều gia đình phải chia rẽ, được gửi tới những đất nước khác nhau trong cuộc hỗn loạn.
"Không hiểu họ đang làm gì, nhưng vẫn còn những nhân viên bị kẹt ở cổng và chẳng có khả năng vào được bên trong," - nguồn tin chia sẻ, ám chỉ các nhân viên Mỹ người Afghanistan.
Việc nhiều gia đình bị chia cắt, nguồn tin cho rằng "Đây không phải là chủ đích hay sai lầm gì của cơ quan chức năng Hoa Kỳ, nhưng họ chọn đến riêng lẻ hoặc tự chia ra trong lúc đi vào. Có những trường hợp bố, mẹ và con cái được đưa đến các quốc gia khác nhau."
Trong lúc này, chiến dịch sơ tán hàng loạt vẫn đang tiếp tục. Tại sân bay thủ đô Kabul ngày 22/8, nhiều chiếc vận cơ C-17 vẫn đang chờ cất cánh, với quân đội hùng hậu sát cạnh. Dự kiến họ sẽ phải làm việc suốt đêm để xử lý lượng khách còn tồn đọng. Nhưng bên ngoài cổng sân bay là một sự hỗn loạn không thể so bì.
Hàng ngàn người vẫn tiếp tục tụ tập bên ngoài cổng. Giữa những hình ảnh được lan truyền trong tuần qua, có cả một video về người mẹ cố đưa con qua tường rào gai cho lính Mỹ, cho thấy sự tuyệt vọng đang dâng tràn. Em bé được điều trị tại bệnh viện Na Uy, sau đó đã được đưa về cho bố mẹ - theo lời người phát ngôn của Lầu Năm Góc John Kirby.
Khu vực bên trong và xung quanh sân bay Kabul đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Kể từ ngày 15/8, gần 20 người đã chết, hoặc bị chèn ép trong đám đông, hoặc chết vì súng đạn. Ít nhất 7 công dân Afghanistan tử vong tại sân bay trong ngày 21/8 - theo lời người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh. Trong đó, một cuộc đụng độ xảy ra bên ngoài sân bay. Một vụ khác diễn ra tại một khách sạn gần đó.
"Tình hình tại hiện trường đang hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để kiểm soát và đảm bảo an ninh," - ông cho biết.
Đám đông bu lại, chạy theo máy bay của không quân Mỹ
Trong tuần qua, phóng viên Reuters đã ghi nhận tổng cộng 12 người đã tử vong xung quanh sân bay kể từ khi Taliban kiểm soát Kabul. Thông tin này được trích nguồn từ NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và một quan chức của Taliban.
Giữa tình hình mỗi lúc một tệ đi, 2 quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội đang nỗ lực tìm ra các con đường khác cho người dân đến được sân bay và qua được cổng. Sẽ có những tuyến bay mới dành cho công dân Mỹ, công dân từ các nước thứ 3 và người Afghanistan đủ điều kiện di chuyển.
Lầu Năm Góc Hoa Kỳ cũng đang theo dõi sát sao khu vực xung quanh sân bay, vì đám đông như vậy sẽ rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố, với các hình thức đánh bom liều chết hoặc dùng bom xe.
Sân bay Kabul trên thực tế là một trong những con đường khả dĩ hiếm hoi để thoát khỏi Afghanistan vào lúc này. Chính phủ Mỹ đang thực hiện một trong những đợt vận chuyển hàng không lớn nhất lịch sử - theo lời Tổng thống Joe Biden. Và dù có hàng ngàn binh lính Mỹ tại Kabul, tình hình vẫn đang rất nguy hiểm.
600 người nhồi nhét trên chiếc vận cơ di tản khỏi Afghanistan
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 38.000 người - gồm cả người Afghanistan và người nước ngoài - đã được di tản. Các quốc gia tham gia hỗ trợ di tản có Mỹ, Anh, Canada, Ý, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc.
Một nhà báo may mắn trốn thoát trên một chuyến bay đến Qatar cho biết, anh không rõ cảm xúc của mình là như thế nào. Hạnh phúc, hay đau lòng. Nhà báo này đã từng một lần thoát khỏi Afghanistan trước kia - khi Taliban thống trị cách đây hơn 20 năm. Giờ, ông lại một lần nữa phải rời xa gia đình và bạn bè, mà chẳng biết đến lúc nào mới có thể trở lại.
Tại căn cứ không quân Mỹ Ramstein phía tây nam Đức, suốt cuối tuần qua các chuyến bay hạ cánh cách nhau 90 phút. Với sức chứa 5000 người, một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ tại châu Âu được lấp đầy rất nhanh, với các túp lều trú ẩn tạm thời được dựng lên trước khi họ tiếp tục hành trình được đưa tới Mỹ.
Quân đội Mỹ hy vọng rằng có thể giải cứu 5000 - 9000 người mỗi ngày, nhưng cho đến hiện tại mục tiêu ấy vẫn rất xa vời. Họ phải đối mặt với thách thức rất khó khăn để chạy đua với thời hạn 31/8 - thời điểm quân đội Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan, dù ông Biden khẳng định Mỹ có thể dời lịch nếu chưa hoàn thành giải cứu.
Nguồn: CNN