Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (15/7), VN-Index đứng ở mức 1.179,25 điểm, tương ứng tăng 7,94 điểm (0,68%) so với phiên cuối tuần trước. Tương tự, HNX-Index tăng 6,6 điểm (2,38%) lên 284,4 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,36 điểm (0,41%) lên 87,32 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 13.525 tỷ đồng, tăng 4,25%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 4,73% lên mức 12.048 tỷ đồng.
Thị trường hồi phục nhẹ trước sự phân hóa vẫn tương đối mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường tại tuần 11-15/7 vẫn có 18 mã giảm trong khi số mã tăng là 11. Giảm mạnh nhất nhóm này là MCH của MasanConsumer ( UPCoM: MCH ) với 7,9%, tuy nhiên, thanh khoản của MCH là khá thấp. Tiếp sau đó, MWG của Đầu tư thế giới di động ( HoSE: MWG ) giảm gần 5,4% sau một tuần giao dịch. TCB của Techcombank ( HoSE: TCB ) và MSN của Masan ( HoSE: MSN ) giảm lần lượt 3,9% và 3,5%.
Ở chiều ngược lại, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) đứng đầu danh sách tăng giá trong top 30 vốn hóa với 9,2%. VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) và BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) tăng lần lượt 6,8% và 6,6%.
Tăng giá
Trên sàn HoSE, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về TNC của Cao su Thống Nhất ( HoSE: TNC ) với 30,6%. Tuy nhiên, TNC nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá sàn này là HNG của HAGL Agrico ( HoSE: HNG ) với 22,3%. HNG tăng giá với thanh khoản cải thiện đáng kể so với tuần trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt đến trên 17,5 triệu đơn vị/phiên, cao hơn nhiều so với mức 5,8 triệu đơn vị/phiên ở tuần trước.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
MHC của CTCP MHC ( HoSE: MHC ) và VPH của Vạn Phát Hưng ( HoSE: VPH ) đều có mức tăng giá trên 20%.
Tại sàn HNX, cổ phiếu VTZ của Nhựa Việt Thành ( HNX: VTZ ) tăng giá mạnh nhất với 22,7%. Tuy nhiên, cổ phiếu này có khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ 7.840 đơn vị/phiên ở tuần giao dịch vừa qua. Các mã CMS của CMH Group ( HNX: CMS ), PVL của Đầu tư Nhà Đất Việt ( HNX: PVL ) và LBE của Sách và Thiết bị Trường học Long An ( HNX: LBE ) đều có mức tăng trên 20%. Tuy nhiên, trong số này chỉ có PVL có thanh khoản cao. Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam đã mua 1,67 triệu cổ phiếu PVL. Giao dịch được thực hiện từ 6/6 đến 5/7. Sau khi giao dịch được thực hiện, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam đã sở hữu 2,57 triệu cổ phiếu PVL (tỷ lệ 5,14%).
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Ở sàn UPCoM, "tân binh" CAR của Tập đoàn Giáo dục Trí Việt (UPCoM: CAR) có mức tăng giá mạnh nhất thị trường với gần 85%. Ngày 13/7, cổ phiếu của Tập đoàn Giáo dục Trí Việt chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp. Ngay sau đó, CAR đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp và leo lên mức 20.300 đồng/cp. Tập đoàn Giáo dục Trí Việt, tiền thân là CTCP Đào tạo Trẻ tài năng Việt Nam thành lập năm 2010 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,65 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Sau 9 năm hoạt động, Tập đoàn Giáo dục Trí Việt đã thực hiện tăng vốn 2 lần, hiện vốn điều lệ của công ty là 32 tỷ đồng. Lĩnh vực đầu tư của công ty bao gồm đầu tư vào các dự án đào tạo; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm đào tạo về kỹ năng, làm giàu kiến thức, nghệ thuật cho cả trẻ em và người lớn trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới nhất vào việc xây dựng chương trình đào tạo và tham khảo nội dung, phương pháp giáo dục tiên tiến của các quốc giá có nền giáo dục phát triển.
Hầu hết các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
Giảm giá
Đứng đầu mức giảm giá ở sàn HoSE là DTT của Kỹ nghệ Đô Thành ( HoSE: DTT ) với 19,2%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 420 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ biến động theo chiều hướng tiêu cực, trong đó, DGW của Digiworld ( HoSE: DGW ) và FRT của FPT Retail ( HoSE: FRT ) giảm lần lượt 7,9% và 7,3%. Trong một báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.
Trên sàn HNX, cổ phiếu giảm mạnh nhất là L40 của Đầu tư và Xây dựng 40 ( HNX: L40 ) với 27%. Trong top 10 giảm giá sàn này hầu hết đều có thanh khoản rất thấp. Trong đó, C92 của Xây dựng và Đầu tư 492 ( HNX: C92 ) có thanh khoản cải thiện nhất nhưng khối lượng khớp lệnh bình quân cũng chỉ 52.974 đơn vị/phiên. Trong tuần, C92 giảm hơn 15,9%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Ở sàn UPCoM, toàn bộ các cổ phiếu giảm mạnh đều có thanh khoản rất thấp. Giảm giá mạnh nhất là TAW của Cấp nước Trung An ( UPCoM: TAW ) với hơn 47%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |