Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/5), VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm, tương ứng tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm. Như vậy, thị trường chứng khoán đã có giao dịch tích cực trở lại sau 6 tuần đi xuống liên tiếp.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.021 tỷ đồng/phiên, giảm 16,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm gần 15% xuống còn 14.807 tỷ đồng/phiên.
Nhiều nhóm ngành cổ phiếu biến động tích cực trở lại. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán chỉ có 4 mã giảm giá là SAB của Sabeco ( HoSE: SAB ) giảm 3,8%, VHM của Vinhomes ( HoSE: VHM ) giảm 1,8%, VJC của Vietjet ( HoSE: VJC ) giảm 0,5%, VIC của Vingroup ( HoSE: VIC ) giảm 0,3%.
Ở chiều ngược lại, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) giao dịch tích cực nhất nhóm này khi tăng đến gần 24,7% chỉ sau một tuần giao dịch. MBB của Ngân hàng Quân đội ( HoSE: MBB ) cũng tăng 12%. Hai mã khác trong top 30 vốn hóa tăng trên 10% là GVR của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) và MSN của Masan ( HoSE: MSN ).
Tăng giá
Tâm điểm của thị trường trong tuần qua thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tại sàn HoSE, TVS của Chứng khoán Thiên Việt ( HoSE: TVS ) tăng mạnh nhất với 29,2%. Tiếp sau đó, VCI của Chứng khoán Bản Việt (VCSC, H oSE: VCI ) cũng tăng 23,5%. Trong top 10 cổ phiếu tăng giá sàn HoSE còn có một cổ phiếu chứng khoán là CTS của Chứng khoán Vietinbank ( HoSE: CTS ) với 21%.
Cổ phiếu PVD của PVDrilling ( HoSE: PVD ) cũng có mức tăng giá mạnh với 22%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Tại sàn HNX, CEO của Tập đoàn C.E.O ( HNX: CEO ) đứng đầu mức tăng giá với 28,3%. Hai cổ phiếu ngành chứng khoán là SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội ( HNX: SHS ) và BVS của Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) tăng lần lượt 23,4% và 21,7%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về một "tân binh" của sàn UPCoM là DSD của DHC Suối Đôi (UPCoM: DSD) với 61%. Doanh nghiệp này thành lập năm 2012. Công ty kinh doanh trên các lĩnh vực: Khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản (thăm dò, khai thác mỏ nước khoáng nóng); Kinh doanh nhà hàng; Khu lưu trú, nghỉ dưỡng; Cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; Dịch vụ thư giãn tăng cường sức khỏe (spa, tắm khoáng nóng, tắm bùn,…); Tổ chức khai thác tour du lịch sinh thái,…Công ty Cổ phần DHC Suối Đôi hiện đang là chủ đầu tư của Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, nằm tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều có thanh khoản thấp. CSI của Chứng khoán Kiết thiết Việt Nam ( UPCoM: CSI ) có thanh khoản tốt nhất trong top 10 tăng giá sàn này. CSI tăng gần 32% chỉ sau một tuần giao dịch.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là RDP của Rạng Đông Holding ( HoSE: RDP ) với 14,6%. Hai mã SC5 của Xây dựng Số 5 ( HoSE: SC5 ) và VFG của Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG) cũng đều giảm trên 10%, tuy nhiên, thanh khoản của hai mã này thuộc diện rất thấp với chỉ từ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Ở sàn HNX, THD của Thaiholdings ( HNX: THD ) giảm mạnh nhất với gần 34% chỉ sau một tuần giao dịch. Hiện thị giá của THD chỉ còn 56.000 đồng/cp, trong khi có thời điểm, THD đạt 277.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021. HĐQT Thaiholdings vừa ra Nghị quyết thông qua phương án điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021. Cụ thể, chấp hành theo công văn số 1428 của của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Bộ Công an (C03), Thaiholdings thông qua phương án Thaigroup (công ty con thuộc tập đoàn) hoàn trả số tiền đã giao dịch với công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh theo đúng quy định của pháp luật. Số tiền hoàn trả là 840 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của CTCP Bình Minh Group (chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh) kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Trên báo cáo tài chính năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Thaiholdings sẽ giảm từ 1.156 tỷ đồng còn 424 tỷ đồng, tương ứng giảm 732 tỷ đồng.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất là E12 của XD Điện VNECO 12 (UPCoM: E12) với hơn 50%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này ở mức rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ 2.280 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.