Thị trường hồi phục nhẹ, VN-Index chốt tuần tăng 1,9% so với tuần trước đó, HNX-Index tăng 2,3%.
Khác với tuần trước, biên độ tăng của nhiều cổ phiếu trên thị trường ở tuần này đã được nới rộng hơn, trong khi biên độ giảm lại co dần. Ở sàn HoSE, phần lớn những cổ phiếu có mức giảm giá mạnh đều có kết quả kinh doanh quý III kém tích cực. Điển hình nhất là cổ phiếu NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim. Theo KQKD mới được công bố gần đây, quý III/2018 NKG chỉ lãi vỏn vẹn 733 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi 206 tỷ đồng. Trong tuần, cổ phiếu NKG mất 22,3% giá trị.
Một cổ phiếu thuộc nhóm ngành tôn thép khác là HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng giảm sâu 18%. Quý IV niên độ 2017-2018, HSG báo lỗ đến 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 200 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, HSGghi nhận lãi ròng 410 tỷ đồng, chưa đến 1/3 năm trước.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhóm ngành thép khác như TLH của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên hay POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina đều sụt giảm so với tuần trước đó nhưng mức giảm không lớn như NKG hay HSG.
HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là mã hiếm hoi của ngành thép duy trì được đà tăng. KQKD của HPG cũng khác với phần còn lại của ngành thép. Quý III là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp thép giảm lợi nhuận thì HPG lại đạt mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước tới nay 2.401 tỷ đồng, tăng 12,2%.
Một cổ phiếu khác cũng lao dốc mạnh trong tuần qua đó là TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành với 19,4%. KQKD quý III/2018 của TTF kém tích cực khi kinh doanh dưới giá vốn. TTF lỗ ròng 33 tỷ đồng, trong đó cổ đông công ty mẹ lãi 3,5 tỷ và cổ đông thiểu số lỗ 36,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, TTF lỗ sau thuế 764,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 80,5 tỷ cùng kỳ năm trước; cổ đông công ty mẹ gánh lỗ 681,7 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu FIR của Công ty Cổ phần Địa ốc First Real tăng gần 40% sau 1 tuần giao dịch. Đáng chú ý, FIR tăng trần cả 12 phiên giao dịch kể từ khi lên niêm yết sàn HoSE từ 18/10 với giá tham chiếu chỉ 12.000 đồng/CP, nhưng hiện tại, FIR đã có giá 30.050 đồng/CP.
Tiếp sau đó, cổ phiếu ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang tăng 38,1%. Quý III/2018, ACL báo lãi sau thuế 96,2 tỷ đồng, gấp 12,5 lần lợi nhuận đạt được trong quý III năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 147,35 tỷ đồng, gấp gần 7 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và vượt 320% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (35 tỷ đồng).
Ở sàn HNX, cổ phiếu CVN của Công ty cổ phần Vinam tăng trần cả 5 phiên giúp cả tuần tăng 59%. Đáng chú ý, việc CVN tăng trần liên tiếp là khá khó hiểu khi kết quả kinh doanh của công ty trong quý III là không tích cực. Công ty bão lãi sau thuế chỉ 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ là 539 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, CVN lãi 322 triệu đồng trong khi cùng kỳ, lãi đến 2,46 tỷ đồng.
Cổ phiếu PCN của Công ty cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc cũng tăng 47%. Tuy nhiên, thanh khoản mỗi phiên chỉ 100 cổ phiếu. KQKD quý III của PCN lỗ 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoản lỗ này là 7 tỷ đồng.
Ngược lại, dẫn đầu danh sách giảm giá sàn HNX là VTS của Công ty Cổ phần Viglacera Từ Sơn. Cổ phiếu này có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn, giảm 40% sau 1 tuần giao dịch. Bên cạnh đó, cổ phiếu KSK của Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim màu cũng giảm 33,3%. Tuy nhiên, KSK chỉ có giao dịch trong phiên cuối tuần và biên độ trong phiên đó của cổ phiếu này lên đến 40% do trước đó, KSK đã không có giao dịch trong 25 phiên liên tiếp.
Trên sàn UPCoM, hai cổ phiếu tăng giá trên 50% là PCM của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Bưu điện và Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera.
Trong khi đó, sàn này cũng đón nhận 2 cổ phiếu giảm 40% đó là CDR của Công ty Cổ phần Xây dựng Cao su Đồng Nai và TTR của Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư. Điểm chung của hai cổ phiếu này đều là chỉ giao dịch duy nhất một phiên trong tuần nhưng biên độ phiên hôm đó là 40% do trước đó đều không có giao dịch trong 25 phiên liên tiếp.