Kết thúc tuần giao dịch 16-20/3, VN-Index dừng ở mức 709,73 điểm, tương đương giảm 6,83% so với tuần trước. HNX-Index tăng 0,4%, lên 101,79 điểm. Áp lực bán ở các cổ phiếu bluechip vẫn còn khá lớn nhưng xuất hiện dòng tiền vào bắt đáy đã khiến cho các chỉ số chuyển sang trạng thái giằng co mạnh. Ngoài ra 2 quỹ cơ cấu danh mục và tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VRE, VIC,…đã khiến cho các số cổ phiếu này đóng cửa phiên cuối tuần ở mức giá sàn. Cụ thể, VRE giảm 15,7% xuống 20.400 đồng/cp so với đầu tuần, VHM giảm hơn 11%, xuống mức 63.800 đồng/cp, VIC giảm 10,8% xuống 82.500 đồng/cp.
Bên cạnh đó các cổ phiếu trụ khác như VCB giảm 13,3% so với đầu tuần, đóng cửa ở mức 61.500 đồng/cp, SAB giảm 12,5%, BVH giảm 14,2%,...góp phần vào việc kéo VN-Index tiếp tục đi xuống.
Trong khi đó, đứng đầu trong danh sách tăng giá sàn HoSE là cổ phiếu CMV của CTCP Thương nghiệp Cà Mau với gần 40%. Cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp nhưng khối lượng giao dịch ở mức thấp, trung bình mỗi phiên chưa được 500 cp/phiên.
2 cổ phiếu khác sàn HoSE tăng giá gần 22% là TV2 của CTCP Tư vấn và Xây dựng Điện 2 và VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC tăng hơn 20%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với hơn 30% với 5 phiên sàn liên tiếp. Điều đáng chú ý là trước đó một tuần, cổ phiếu YEG đã có chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp nhờ vào thông tin tích cực từ việc Yeah1 và Tập đoàn Tân Hiệp Phát hợp tác chiến lược toàn diện về việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ sinh thái công nghiệp truyền thông nhằm tiếp cận trực tiếp đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ để triển khai các chương trình marketing từ 2020.
Tiếp theo trong danh sách giảm mạnh nhất là cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài giảm hơn 22% từ 48.200 đồng/cp xuống 37.400 đồng/cp. Nếu tính từ thời điểm đầu tháng 1 đến nay thì PTB đã mất hơn 46% dù năm 2019 công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.552 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 435 tỷ đồng, tăng hơn 13%.
Tại sàn HNX, cổ phiếu DNY của CTCP Thép DANA - Ý tăng mạnh nhất, gần 39% với 5 phiên trần liên tiếp bất chấp việc công ty đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Nguyên nhân đến từ việc lũy kế cả năm 2019, công ty lỗ 313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới cuối năm là 329 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (270 tỷ đồng). Theo quy định thì doanh nghiệp đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc.
Tiếp đó là cổ phiếu VBC của CTCP Nhựa – Bao bì Vinh tăng gần 35%. Cổ phiếu IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng 32%. Trước đó, Chủ tịch HĐQT Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) Nguyễn Hoàng Linh đăng ký bán toàn bộ 157.600 cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 20/2 đến 19/3 bằng phương thức khớp lệnh và thoả thuận.
Chiều ngược lại, V21 của CTCP Vinaconex 21 giảm hơn 26%. Trong tuần, V21 có đến 3 phiên giảm sàn và 2 phiên không giao dịch. Trong cả 3 phiên giảm sàn, V21 đều chỉ khớp lệnh 100 đơn vị mỗi phiên.
Bên cạnh đó, cổ phiếu L35 của CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama đứng sau khi giảm hơn 25%, L35 cũng có 3 phiên giảm sàn trong tuần và cổ phiếu luôn trong tình trạng thanh khoản kém.
Đối với sàn UPCoM, cổ phiếu GER của CTCP Thể thao Ngôi sao Geru tăng mạnh nhất với 59,3%. GER có phiên tăng trần đột biến với gần 39% do theo quy định, cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ± 40% so với giá tham chiếu. Thời gian xuất hiện giao dịch gần nhất trước đó của GER là vào ngày 8/7/2019. Tiếp đến là cổ phiếu DAR của CTCP Xe lửa Dĩ An tăng 50% với 3 phiên trần liên tiếp. Thanh khoản của DAR cũng không khá hơn GER khi thường xuyên không có giao dịch.
Trong khi đó, cổ phiếu BHK của CTCP Bia Hà Nội – Kim Bài giảm mạnh nhất với 41,8%. POB của CTCP Xăng dầu Dầu khí Thái Bình giảm 41,4% với mức thanh khoản rất thấp. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trong tuần qua đều bị ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới xuống dưới 25 USD/thùng, chạm đáy 18 năm. Việc Arab Saudi và Nga không thể nhất trí cắt giảm nguồn cung khiến cho thị trường năng lượng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực.