Hà Nội chi 500 tỷ đồng tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ
Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có diện tích đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện nay đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200- 300 nhà).
Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và c cận D). Hiện nay đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục. Thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong Quý 2 của năm 2023.
Trong đợt 1 (từ cuối năm 2021 đến quý 3 năm 2022) thành phố Hà Nội lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 10 khu chung cư cũ (4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp và 6 khu được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân...). Riêng quận Hoàn Kiếm xem xét Đề án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn và một số nhà chung cư cũ đơn lẻ.
Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025; Trong đó lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp); Với 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D (có phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn.
Đa dạng trong cách thức lựa chọn chủ đầu tư, nguồn vốn cho cải tạo chung cư cũ
Trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ, Hà Nội thành lập Tổ công tác của UBND thành phố để xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền. Trong đó xác định cụ thể quy trình về lựa chọn chủ đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư; tổ chức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời; thu hồi, giao đất, cho thuê đất để chuẩn bị khởi công công trình; tiến độ hoàn thành trước 1/10/2021.
Với từng dự án cải tạo chung cư cũ cụ thể để lựa chọn các nhà đầu tư như: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn hay nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo. Như vậy, sự đa dạng trong cách thức lựa chọn chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư là điểm khác trước đây chỉ tập trung vào hình thức xã hội hóa.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây là cách nhìn nhận và tiếp cận khác để xây dựng những giải pháp thực hiện cải tạo chung cư cũ. Người sống trong các chung cư cũ là ai? Hầu hết là người dân nghèo, cán bộ công chức đã nghỉ hưu, người có công trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Đây là đối tượng cần được ưu tiên trong xây dựng những chính sách về nhà ở.
“Cải tạo chung cư cũ cần được coi là một dạng phát triển nhà ở xã hội, có những chính sách ưu đãi phù hợp. Trong đó, ưu tiên cho tái định cư tại chỗ, kèm theo chính sách hỗ trợ để tạo sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư. Chúng ta phải xác định việc thực hiện cải tạo chung cư cũ là từ nguồn vốn của Nhà nước, có thể vốn trực tiếp hoặc nguồn vốn gián tiếp thông qua việc hoàn trả nhà đầu tư bằng quỹ đất” - ông Trần Ngọc Hùng nêu ý kiến.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được gỡ những vướng mắc ở cơ chế, chính sách. Những dự án cải tạo chung cư cũ có thực sự chuyển động được hay không phụ thuộc vào sự quyết tâm thực hiện của chính quyền địa phương các cấp./.