Chiều 1/11, Bộ GTVT công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quy hoạch xác định: Từ nay tới năm 2030 sẽ nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có và đầu tư 9 tuyến đường sắt mới. Trong đó, ưu tiên làm trước đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau đó tới các tuyến đường sắt kết nối TPHCM với Cần Thơ, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, liên vận quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tới năm 2050, hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, để đạt mục tiêu quy hoạch đường sắt, từ nay tới năm 2030 cần khoảng 240 nghìn tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Nguồn vốn cụ thể sẽ được xác định ở bước nghiên cứu từng dự án theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
“Trong nhiệm kỳ này, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi chủ trương đầu tư được thông qua, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu thiết kế, giải phóng mặt bằng, phấn đấu tới năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu đầu tiên của đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang- TPHCM”, ông Thể nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Nguyễn Hồng Thái cho rằng, quy hoạch này được triển khai ra sao phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân sách nhà nước. “Nếu đạt được theo quy hoạch, bộ mặt, vị thế đường sắt sẽ rất khác, sẽ lấy lại được vị thế, vai trò như trước đây. Tuy nhiên, “lấy tiền đâu để làm?” là câu hỏi rất khó trả lời”, ông Thái nói.
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu trên trông vào nguồn vốn ở đâu? Nếu được Quốc hội thông qua, chỉ riêng vốn đầu tư cho 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội- Vinh và Nha Trang - TPHCM đã hết 24,7 tỷ USD, tương đương hơn 568.000 tỷ đồng (theo báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT).
Trong số đó, vốn đầu tư công chiếm khoảng 80%, còn lại huy động vốn xã hội. Được biết, mới đây, Bộ KH&ĐT- cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước đã ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm định độc lập Báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi hội đồng thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xin ý kiến.
Theo Bộ GTVT, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 bố trí cho giao thông khoảng 336.000 tỷ đồng, trong đó chỉ hơn 15.900 tỷ đồng bố trí cho duy trì phát triển hạ tầng đường sắt (khoảng 4,7% tổng vốn kế hoạch cho giao thông 5 năm tới).
Phần lớn vốn đầu tư công trong 5 năm tới tập trung cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sau năm 2026 sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đường sắt.