Theo tính toán của chúng tôi, trong 10 năm qua, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng Việt đã tăng gần 3 lần. Trong đó, riêng năm 2021, hệ thống ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 110.000 tỷ đồng, là năm tăng vốn mạnh và ồ ạt nhất từ trước đến nay.
Nhìn lại 10 năm qua, trật tự bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng có những thay đổi lớn.
Đầu tiên, khoảng cách giữa các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân không còn lớn như trước.
Năm 2012, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất là Agribank và VietinBank với hơn 26.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cao nhất là Eximbank với hơn 12.300 tỷ.
Năm 2022, vốn điều lệ cao nhất hệ thống là BIDV với hơn 50.500 tỷ đồng. Ngân hàng tư nhân có vốn cao nhất là VPBank với hơn 44.400 tỷ đồng. Khoảng cách giữa nhóm quốc doanh với các ngân hàng tư nhân top đầu chỉ còn khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng.
Có 2 "hiện tượng" tăng vọt ở nhóm tư nhân là Techcombank và VPBank. Cụ thể, năm 2018, sau khi lên sàn HoSE, Techcombank thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 1:2, giúp vốn điều lệ nhà băng này tăng đột biến, từ 11.600 tỷ đồng tăng 3 lần lên 35.000 tỷ đông. Lúc này, Techcombank đã vượt lên trên cả BIDV và Agribank.
Còn VPBank tháng 10/2021 chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tới 80%, đưa vốn điều lệ lên hơn 44.400 tỷ đồng.
Trong cuộc đua tăng vốn 10 năm qua, đáng buồn nhất có lẽ là Eximbank. Từng là ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cao nhất, nhà băng này dậm chân tại chỗ suốt 10 năm qua ở mức vốn 12.355 tỷ đồng. Từ vị trí thứ 5 hệ thống, chỉ đứng sau Big 4, hiện Eximbank đã tụt xuống vị trí thứ 18, đứng sau cả những ngân hàng như OCB, MSB, SeABank, TPBank,...
Vốn điều lệ ngân hàng 10 năm nhìn lại