Trong 10 ngày tới, Bộ VH-TT&DL sẽ trình làng và đưa vào hoạt động app “Du lịch Việt Nam an toàn” để tất cả các du khách đi/đến Việt Nam yên tâm đi du lịch, từ đó quảng bá, giới thiệu đất nước, du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã thông báo như vậy tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”, diễn ra sáng 30/9.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VH-TT&DL đang yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, sớm hoàn thiện các tính năng, đưa ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch; đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2, từng bước mở cửa du lịch quốc tế.
Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây thảm họa với thế giới, làm tê liệt hoạt động du lịch. Dự kiến, năm nay, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, thiệt hại ít nhất 70% so với năm ngoái. Khách nội địa, dù triển khai hai đợt kích cầu, song theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, tối đa cả năm cũng chỉ đạt 50% so với năm 2019.
Khách du lịch có thể tra cứu mức độ an toàn tại địa điểm sắp đến, xem bản đồ số để biết mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ và cập nhật thông tin mới nhất về điểm đến tại app Du lịch Việt Nam an toàn. |
Do đó, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2020 (inbound và nội địa) dự kiến chỉ đạt khoảng 300.000 tỷ đồng, thiệt hại 61% so với 2019.
Giờ đây, tâm lý của khách du lịch đã thay đổi. Do ngại tiếp xúc, khách ít có cơ hội tìm hiểu sản phẩm du lịch, các giải pháp an toàn từ công ty du lịch mà chuyển hướng du lịch theo nhóm nhỏ; thích đi gần; chọn các dịch vụ tốt nhưng muốn giá thấp; sẵn sàng thay đổi, hủy bỏ tour,...
Các đơn vị lữ hành còn bị tác động trầm trọng hơn, lên đến trên 95%, trong đó 20-30% có nguy cơ phá sản. Nếu dịch kéo dài sang 2021, khách quốc tế không vào được Việt Nam, số lượng DN phá sản có thể lên tới 50-60%.
Vì thế, ông Vũ Thế Bình cho rằng, sự tàn phá một cách toàn diện nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Covid-19 cho thấy nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống lại dịch bệnh.
Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường,… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.
“Điều đó cho thấy chỉ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số mới làm được”, ông Bình nói.
Và, chính Covid-19 đã thúc đẩy ngành du lịch phải triển khai nhanh công tác chuyển đổi số để khắc phục hậu quả của đại dịch, khôi phục và phát triển ngành.
Ông Vũ Thế Bình: Covid-19 đã thúc đẩy du lịch phải triển khai nhanh công tác chuyển đổi số |
Không phải gì to tát
Theo ông Tuấn Hà, Giám đốc công ty Vinalink, một số CEO chia sẻ DN lữ hành của họ vẫn vượt qua khó khăn này nhờ cách làm đặc biệt: xoay trục sản phẩm và biết cách sử dụng database khách hàng.
Ông Tuấn Hà nhấn mạnh, chuyển đổi số trong ngành du lịch nhiều khi không hẳn là giải pháp hoành tráng như big data, blockchain, AI,... mà nhiều khi đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt,... nên voucher giảm giá một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, các tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách, khó đặt,...
“Việc chuyển đổi không có gì là to tát nhưng nhiều tập đoàn lớn, nhiều công ty du lịch vẫn chưa tận dụng được, chưa tận dụng hết database khách hàng, Zalo, dữ liệu khách hàng. Đây không hẳn là chuyển đổi máy móc, phần mềm mà nhiều khi chỉ cần tận dụng tối ưu khách hàng cũ của DN một cách chính xác, tốt nhất là đã thành công rồi”, ông Tuấn Hà nói.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi, lưu ý, để chuyển đổi số thành công, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Thứ hai, quá trình chuyển đổi rất đắt đỏ, không dễ dàng. Hơn nữa, nền tảng chúng ta rất khó so sánh với các nước như Trung Quốc, một số nước có nền công nghiệp mạnh,... nên cần tạo ra một cộng đồng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Cuối cùng, cần có sự hậu thuẫn, bảo hộ của Chính phủ mới phát triển được.
Ngay cả việc tạo ra ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, Thứ trưởng Hùng đánh giá, đây chính là một trong những hoạt động chuyển đổi số, đó không có gì trừu tượng mà rất cụ thể, rất thiết thực.
Từ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” mà Bộ đang triển khai, từ việc tích hợp dữ liệu đầu vào (big data), ông Hùng khuyến nghị trong quá trình chuyển đổi số cần tận dụng cơ hội 4.0 mang lại, song quan trọng là tạo ra sự tương thích, tương tác để khai thác các nội dung khác, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực.
Tại diễn đàn, liên quan đến vấn đề chuyển đổi số để phát triển du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Tổng cục Du lịch triến khai ngay 5 lĩnh vực: đẩy mạnh ứng dụng cho công nghệ số cho marketing du lịch; quản lý điểm đến du lịch một cách thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu big data phải lớn để đưa vào sử dụng chung; kêu gọi các DN cùng phát động, hưởng ứng; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp mọi ngành, ai cũng có thể sử dụng, để hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.
Ngọc Hà