Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết với tình hình hiện nay thì 10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào.
Theo ông Lâm tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khác nhưng chênh lệch về năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác cũng cao.
“Chúng ta phải nỗ lực mới rút ngắn được khoảng cách. Nhưng nói vậy không có nghĩa phải cố gắng để đuổi kịp mà phải làm thế nào để tăng năng lực nội tại của Việt Nam lên”, ông Lâm nói.
Tốc độ tăng lương nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động
Cùng chung quan điểm, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng năng suất lao động của đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
“Có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế”, ông Tuấn lo ngại.
Năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore, thua cả Lào (Ảnh: IT) |
Nhận thức được những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong thế giới hiện đại nói chung và bối cảnh năng suất lao động có xuất phát điểm thấp như ở nước ta nói riêng, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam đưa ra các giải pháp để tăng năng suất lao động mà doanh nghiệp đang thực hiện có hiệu quả tại Diễn đàn.
Để tăng năng suất lao động, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloite Việt Nam, cho biết năng suất lao động trước tiên là gắn liền với trách nhiều của người lãnh đạo doanh nghiệp. Hay nói cách khách, yếu tố con người là quan trọng nhất.
“Người lãnh đạo rất quan trọng. Họ sẽ đưa ra hệ chính sách tiền lương, thưởng, kỷ luật lao động, đào tạo nghề, phát triển nghề theo các bậc thang khác nhau nhằm tối ưu hoá lao động. Chính điều này tạo ra sự gắn bó của người lao động với tổ chức. Chính tiền lương, tiền thưởng góp phần tăng năng suất lao động”, bà Thanh nói.
Từ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp của bản thân, bà Thanh cho rằng, muốn tăng năng suất lao động các doanh nghiệp cũng cần chú trọng tăng cường các yếu tố công nghệ, hạ tầng, kỹ thuật, lao động. Trước tiên cần coi trọng việc đào tạo những người lãnh đạo sau đó là đào tạo tới cán bộ kỹ thuật, người làm trực tiếp.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là hệ tư liệu sản xuất hay nói cách khách hàng máy móc, thiết bị cần phải được chú trọng đầu tư, cải tiến. “Với hệ máy móc 70% lạc hậu như hiện nay thì năng suất lao động không cao là điều dễ hiểu”, bà Thanh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Deloite Việt Nam, với cách mạng công nghệ 4.0 tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đã hết thời “cá lớn nuốt cá bé”, thay vào đó là con cá nào bơi nhanh hơn sẽ thắng cuộc.
“Doanh nghiệp sẽ đi nhanh hơn với công nghệ, muốn tăng năng suất lao động chúng ta cần tập trung vào đổi mới và đầu tư vào công nghệ, cùng với đó là đào tạo con người theo được công nghệ”, bà Thanh nhấn mạnh.
Cần một “ông bầu” giỏi
Là đại diện của một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam có những nhận định khá ưu ái cho năng suất lao động của người Việt khi so sánh với lao động Hàn Quốc hay lao động ở những nước Samsung có đặt nhà mày.
Cụ thể, ông Bang Hyun Woo cho biết: Nếu so sánh năng suất lao động và chất lượng lao động của Việt và Hàn Quốc với cùng một công nghệ, máy móc thiết bị như nhau thì lao động Việt Nam bằng 99% so với lao động Hàn Quốc.
Dẫn chứng cho kết luận trên là việc để vận hành nhà máy Samsung tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã sử dụng 170.000 lao động Việt Nam và chỉ có 240 người Hàn Quốc. “Điều đó cho thấy chất lượng lao động Việt Nam không thua kém gì so với lao động Hàn Quốc”, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Bang Hyun Woo, với nguồn lao động chất lượng cao là các kỹ tại Samsung thì có thể do cơ chế đào tạo, học tập khác với Hàn Quốc nên đầu vào lao động Việt Nam yếu hơn so với lao động Hàn Quốc. Sau từ 1-2 năm đào tạo thì trình độ lao động kỹ sư của Việt Nam mới tương đương kỹ sư Hàn Quốc.
Tỏ ra lạc quan về trình độ lao động và năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới, ông Bang Hyun Woo cho rằng tiềm năng lao động Việt Nam là rất lớn và năng suất lao động Việt Nam nếu có thấp thì phụ thuộc nhiều vào giáo dục và các nhà quản lý chứ không phải do năng lực người lao động. Lấy ví dụ so sánh, ông Bang Hyun Woo nói: “nó giống như câu chuyện của các cầu thủ U23 Việt Nam. Nhờ có người dẫn đường sáng suốt, họ đã toả sáng”. Hay nói cách khác là muốn tăng năng suất lao động Việt Nam, chúng ta cần một nhạc trưởng, một “ông bầu” giỏi.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines. “Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước là rất lớn”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh. |
(Theo Dân Việt)