Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới, gồm những nữ lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Trong đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục dẫn đầu. Những phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doah gồm có Mary Barra của General Motors, Abigail Johnson của Tập đoàn đầu tư Fidelity Investments hay Susan Wojcicki - CEO của YouTube...
1. Angela Merkel - Thủ tướng Đức
Bà Angela Merkel là người lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) từ năm 2000. Từ năm 2005, bà đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức, điều hành nền kinh tế lớn nhất tại châu Âu. 2018 là năm thứ 8 bà Markel dẫn đầu danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, bà Markel bất ngờ tuyên bố sẽ không tham gia tái tranh cử chức Thủ tướng Đức vào năm 2021.
2. Theresa May - Thủ tướng Anh
Kể từ khi lên giữ chức thủ tướng Anh và lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào năm 2016 sau khi ông David Cameron từ chức, bà Theresa May đặt trọng tâm chính là đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về việc rời khỏi khối này - còn gọi là Brexit.
Trước đó, từ năm 2010 - 2016, bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Đầu tuần trước, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng bà có niềm tin sẽ vẫn làm thủ tướng Anh sau cuộc bỏ phiếu quốc hội về Brexit vào 11/12 tới không, bà trả lời: "Tôi sẽ vẫn là thủ tướng trong 2 tuần tới".
3. Christine Lagarde - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Bà Christine Lagarde trở thành nữ giám đốc điều hành đầu tiên của IMF vào năm 2011. Trước đó, bà từng đảm giữ nhiều vị trí bộ trưởng trong chính phủ Pháp, gồm Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Việc làm, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản. Năm ngoái, bà Lagarde đứng vị trí thứ 8 trong danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes.
4. Mary Barra - CEO, chủ tịch của General Motors
Bà Mary Barra được bổ nhiệm làm CEO của General Motors vào năm 2014. Trước đó, bà giữ chức phó chủ tịch phát triển sản phẩm toàn cầu, mua hàng và chuỗi cung ứng của General Motors - tập đoàn ôtô lớn nhất tại Mỹ. Sau khi bà lên nắm quyền điều hành, General Motors đạt lợi nhuận tích lũy 21,5 tỷ USD từ năm 2014 đến quý 1/2018.
Mới đây, hãng này tuyên bố đóng cửa 5 nhà máy tại Bắc Mỹ, sa thải 14.000 nhân viên và dừng sản xuất gần 10 mẫu xe nhằm chuẩn bị cho sự suy giảm của thị trường xe chạy xăng truyền thống và dịch chuyển theo hướng đầu tư nhiều hơn cho xe chạy điện và xe không người lái.
5. Abigail Johnson - Chủ tịch, CEO của Fidelity Investments
Abigail Johnson giữ chức CEO và chủ tịch của Tập đoàn đầu tư Fidelity Investments từ năm 2014, đồng thời là chủ tịch của công ty Fidelity International. Bà gia nhập Fidelity - công ty do ông nội của bà sáng lập, với vị trí chuyên viên phân tích vào năm 1988.
6. Melinda Gates - Đồng chủ tịch Tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation
Tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation, ban đầu có tên William H. Gates Foundation, được thành lập vào năm 2000 bởi tỷ phú Bill Gates và vợ Melinda Gates, nhằm hỗ trợ các sáng kiến về chăm sóc sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.
7. Susan Wojcicki - CEO của YouTube
Khi làm việc tại Google, Susan Wojcicki là người đứng sau một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất của công ty - mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ USD vào năm 2006. Sau đó, bà gia nhập ban điều hành YouTube và được bổ nhiệm làm CEO của trang chia sẻ video này vào năm 2014. Wojcicki được Tạp chí Times bình chọn là "Phụ nữ quyền lực nhất hành tinh" năm 2015.
8. Ana Botin, Chủ tịch Santander Group
Ana Botin trở thành chủ tịch của tập đoàn tài chính Santander Group vào năm 2014, Trước đó, năm 2010, bà là CEO của ngân hàng Santander Anh. Bà là thành viên thứ 4 trong gia đình Botin giữ chức chủ tịch của Santander Group, sau cha, ông và ông cố.
9. Marillyn Hewson - CEO, chủ tịch của Lockheed Martin
Marillyn Hewson hiện là chủ tịch, CEO của Lockheed Martin - công ty hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh và công nghệ toàn cầu của Mỹ. Năm 2015, bà đứng thứ 20 trong danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes. Bà gia nhập Lockheed Martin vào năm 1983, trải qua nhiều vị trí như phó chủ tịch mảng kinh doanh hệ thống điện tử, chủ tịch dịch vụ vận tải của công ty.
10. Ginni Rometty - CEO của IBM
Bà Ginni Rometty gia nhập IBM vào năm 1981 với vị trí kỹ sư hệ thống. Từ đó, bà leo lên nhiều vị trí và trở thành chủ tịch, CEO của hãng công nghệ này sau hơn 3 thập kỷ. Trong thời gian điều hành IBM, bà nhận được nhiều danh hiệu như top 50 người quyền lực nhất thế giới của Bloomberg và top 20 người quyền lực nhất trong lĩnh vực công nghệ của Time.