Trong 12 tháng qua, thế giới công nghệ xảy ra nhiều bê bối từ vụ lộ thông tin của 87 triệu người dùng Facebook, án phạt kỷ lục vì vi phạm luật chống độc quyền của Google cho tới CEO Tesla bị phạt vì các đăng tải trên Twitter.
Dưới đây là thống kê những bê bối lớn nhất của các hãng công nghệ trong năm 2018 được trang Business Insider tổng hợp.
1. Uber và Waymo ra tòa về vụ đánh cắp công nghệ xe tự lái
Hồi tháng 2, startup gọi xe Uber và công ty xe tự lái Waymo của Google đưa nhau ra tòa để giải quyết vụ án Waymo cáo buộc Uber đánh cắp bí mật thương mại liên quan tới công nghệ xe tự lái của mình. Vụ việc này xoay quanh một kỹ sư cấp cao tên Anthony Levandowski bị tố ăn cắp bí mật thương mại sau khi rời khỏi Google và mang tới Uber khi vào làm việc cho startup này.
Vụ việc nhận được quan tâm lớn của giới công nghệ Mỹ khi nó liên quan tới 2 trong số những công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon và thậm chí dẫn tới một cuộc điều trần của cựu CEO của Uber - Travis Kalanick. Cuối cùng, Uber đồng ý trả cho Waymo 245 triệu USD bằng cổ phiếu để dàn xếp vụ kiện.
2. Xe tự lái của Uber đâm chết người ở Mỹ
Vào tháng 3 năm nay, một phụ nữ ở Tempe, bang Arizona, Mỹ bị đâm tử vong bởi một ôtô tự lái đang chạy thử nghiệm của Uber. Đây là tai nạn chết người đầu tiên liên quan tới ôtô tự lái, xảy ra trong bối cảnh Uber đang cạnh tranh với các công ty như Waymo và GM nhằm triển khai dịch vụ này. Vụ việc khiến công ty này phải dừng toàn bộ hoạt động thử nghiệm. Hiện tại, startup Mỹ đang chuẩn bị khởi động lại chương trình này.
3. 87 triệu người dùng Facebook bị lộ thông tin
Tháng 3/2018, Facebook cho biết công ty dữ liệu Cambridge Analytica của Anh - được sử dụng cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã tiếp cận bất hợp pháp dữ liệu của người dùng mạng xã hội này. Ban đầu, các báo cáo cho biết số lượng người dùng bị ảnh hưởng là 50 triệu người, nhưng sau đó con số được công bố tăng lên 87 triệu. Bê bối chấn động này khiến làn sóng tẩy chay và xóa tài khoản Facebook "#DeleteFacebook" lan rộng.
4. CEO Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ
Vào tháng 4, CEO của Facebook Mark Zuckerberg bị yêu cầu ra điều trần trước Quốc hội Mỹ sau hàng loạt bê bối gồm vụ Cambridge Analytica, tin tức giả - trong đó một số liên quan tới can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ông chủ Facebook đã trải qua 2 phiên điều trần 10 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Mỹ.
Vụ việc đánh dấu khủng hoảng lớn nhất từ khi ra đời của Facebook và cũng mở màn cho nhiều động thái siết chặt quản lý việc xử lý vấn đề riêng tư và quản lý dữ liệu người dùng đối với các hãng công nghệ lớn của giới chức một số nước, đặc biệt tại châu Âu.
5. Google nhận án phạt kỷ lục với cáo buộc độc quyền
Tháng 7 năm nay, Google nhận án phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ USD vì dùng hệ điều hành Android làm công cụ để buộc các nhà sản xuất điện thoại cài đặt trước các ứng dụng Google lên thiết bị. Án phạt này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 3 năm của Cơ quan giám sát chống độc quyền của châu Âu. Đây cũng là mức phạt lớn nhất vì vi phạm luật chống độc quyền từ trước đến nay.
Dù nói rằng sẽ kháng cáo, Google cho biết sẽ tuân thủ quyết định của EU trong thời gian chờ đợi. Hãng này đã đưa ra một số thay đổi sau đó, bao gồm việc thu phí đối với các nhà sản xuất điện thoại nếu muốn cài đặt trước các ứng dụng Google lên thiết bị của mình.
6. CEO Tesla bị phạt 20 triệu USD vì đăng tải trên Twitter
Vào tháng 9, CEO của Tesla - Elon Musk đăng tải trên Twitter cá nhân nói rằng: "Đang cân nhắc việc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với mức 420 USD/cổ phiếu. Đã tìm được nguồn vốn". Không lâu sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đâm đơn kiện Musk, cáo buộc ông đưa thông tin sai lệch qua các dòng đăng tải Twitter của mình và nghi ngờ ông làm vậy để gây ấn tượng với bạn gái. Nằm trong thỏa thuận dàn xếp vụ việc này, Musk bị yêu cầu nộp cho SEC 20 triệu USD tiền phạt và từ chức chủ tịch Tesla.
7. Dữ liệu cá nhân của 29 triệu người dùng Facebook bị đánh cắp
2018 là một năm đầy sóng gió của Facebook khi vào tháng 9, mạng xã hội này tiếp tục cho biết rằng một lỗ hổng an ninh trên tính năng "View as" của trang đã bị các hacker lợi dụng để tiếp cận và đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng. Lỗ hổng này cũng cho phép những kẻ tấn công tiếp cận các tài khoản liên kết với Facebook như Instagram, Spotify, Tinder, hay Airbnb. Đây được xem là vụ tấn công lớn nhất trong lịch sử Facebook và làn sóng #DeleteFacebook tiếp tục lan rộng.
2 tuần sau đó, Facebook tiết lộ rằng có 29 triệu người dùng bị ảnh bưởng và dữ liệu bị đánh cắp gồm thông tin cá nhân như ngày sinh, địa điểm, số điện thoại, lịch sử tìm kiếm...
8. Google giấu nhẹm việc dữ liệu cá nhân người dùng Google+ bị lộ
Tháng 9/2018, tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo cho biết một trục trặc trong phần mềm hồi tháng 3 đã khiến dữ liệu cá nhân của 500.000 người dùng Google+ bị lộ. Báo cáo này cũng tiết lộ các giám đốc của Google đã quyết định giữ kín thông tin này, quan ngại rằng vụ việc sẽ bị mang ra so với bê bối Cambridge Analytica của Facebook. Không lâu sau đó, Google tuyên bố dừng dịch vụ mạng xã hội Google+.
10. Nhân viên Google đình công liên quan tới vụ quấy rối tình dục nội bộ
Vào 11h trưa ngày 1/11, khoảng 1.500 nhân viên Google đã tổ chức đình công đình ở các văn phòng tại Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu, Singapore... để phản đối cách xử lý của công ty đối với các vụ quấy rối tình dục trong nội bộ. Việc này xảy ra sau thông tin từ tờ New York Time nói rằng cha đẻ của hệ điều hành Android Andy Rubin đã được trả 90 triệu USD để rời khỏi Google sau một vụ điều tra về quấy rối tình dục trong công ty. Trong 2 năm qua, khoảng 48 nhân viên Google đã bị đuổi việc vì quấy rối tình dục, trong đó có Andy Rubin và một số nhân sự cấp cao.