Danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018 do mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage công bố sáng nay (27/3) được khảo sát tại 674 doanh nghiệp, thuộc 24 ngành nghề với sự tham gia của 75.481 người đi làm có kinh nghiệm. Theo đó, kết quả cho thấy Vinamilk hai lần liên tiếp được bình chọn Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam.
Ở hạng mục Nơi Làm Việc Tốt Nhất theo ngành nghề, có thể kể tên một số doanh nghiệp liên tục giữ vững danh hiệu đầu ngành trong nhiều năm như Cargill Việt Nam (ngành Nông/Lâm/Ngư nghiệp); KPMG Việt Nam (ngành Dịch vụ tài chính), Tập đoàn Vingroup (ngành Bất động sản; ngành Ẩm thực nghỉ dưỡng và ngành Bán sỉ/Bán lẻ/ Thương mại), Abbott Laboratories S.A (ngành Dược); Công Ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (ngành Ô tô phụ tùng), TIKI (ngành Internet/Thương mại điện tử),…
Bảng xếp hạng năm nay cũng chứng kiến sự thăng hạng mạnh của nhiều công ty như Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), DKSH Vietnam, PNJ, Schneider Electric, PIAGGIO Việt Nam, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Suntory PepsiCo Việt Nam, Highlands Coffee,…
Ngoài ra, về dự báo cho năm 2019, báo cáo còn chỉ ra việc thất thoát nhân tài đang trở thành một xu hướng nghiệm trọng.
Không phải nhân viên đi làm rồi nghỉ việc mới là mất mát, khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam nhấn mạnh tình trạng "thất thoát nhân tài" đã diễn ra liên tục từ trước khi họ gia nhập doanh nghiệp tại 5 giai đoạn thu hút nhân tài.
Cụ thể, thất thoát nhận biết chiếm trung bình 34% nhân sự ngành, bao gồm 24% người không biết/chưa từng nghe về công ty và 10% biết nhưng không thích công ty dù bất kỳ giá nào.
Thất thoát quan tâm khi trong số 66% nhân sự ngành có nhận biết, có tới 53% ứng viên không quan tâm làm việc tại công ty trong tương lai.
Trong 13% nhân sự ít ỏi còn lại, chỉ có 7% là sẵn sàng nộp đơn ứng tuyển, 6% quan tâm mà không nộp đơn, đây là thất thoát ứng tuyển.
Trong đó, chỉ có 5% ứng tuyển nghiêm túc, 2% nộp đơn nhưng không coi công ty là "nơi làm việc lý tưởng" gọi là thất thoát khát khao.
Chưa hết, báo cáo cho biết, nếu tất cả các công ty mà nhân tài khát khao cùng gửi lời mời làm việc, cơ hội để công ty lọt vào danh sách "ưu tiên chọn" chỉ còn 1%, nghĩa là mất tiếp 4% thất thoát chọn lựa.
Tổng kết lại, một công ty trung bình có thể mất tới 99% nhân tài mục tiêu. Tỉ lệ này của Top 10 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất Việt Nam cũng rất cao, lên tới 85% nhân sự ngành.
Không những thế, xu hướng thất thoát vẫn tiếp diễn sau khi nhân tài gia nhập công ty với mức nguy hiểm, chiếm 51% nguồn nhân lực.