Dự án của cả 3 tập đoàn lớn đều chậm
Báo cáo về Tình hình thực hiện các dự án điện trong sơ đồ điện VII điều chỉnh, phát hành ngày 4.6 mới đây của Bộ Công Thương cho biết:
Tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW. Trong đó, nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 7.185 MW (chiếm 333.2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%) mà ở đó chủ lực là các dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tổng hợp tình hình thực hiện tiến độ 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW có tới 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với quy hoạch ban đầu.
Trong số 23 dự án đầu tư phát triển nguồn điện do EVN thực hiện với tổng công suất 14.809 MW từ 2016 – 2030 thì có tới 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ. Nghiêm trọng hơn cả là 100% dự án của PVN, TKV đều đang trong tình trạng gặp nhiều khó khăn vướng mắc và khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Cụ thể, PVN được giao 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Giai đoạn 2016 – 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 – 2025 là 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án của PVN đều đang rất khó khăn, nhiều dự án đã chậm tiến độ 2 – 3 năm như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4, Long Phú 1…
Đối với TKV, đơn vị này được giao thực hiện 4 dự án với tổng công suất là 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016 – 2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021 – 2030 2 dự án. Hiện cả 4 dự án đều đang chậm tiến độ từ 2 năm trở lên như Nhiệt điện Na Dương 2, Nhiệt điện Hải Phòng 3 chậm tiến độ 3 năm; Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 chậm tiến độ 4 năm; thậm chí Nhiệt điện Cẩm Phả 3 còn chưa xác định được tiến độ.
Mặc dù nhiều giải pháp đã được đưa ra song các dự án nhà máy điện của cả EVN, TKV, PVN đều vẫn đang loay hoay không biết có kịp được tiến độ mới hay không. Trong ảnh: Công nhân tại Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vẫn làm việc cầm chừng. Ảnh ĐT
Truyền tải không đáp ứng được nguồn điện mới
Trong khi đó, việc phát triển năng lượng tái tạo để góp phần bù đắp với tổng công suất khoảng 10.500 MW cũng đang có những khó khăn bởi chủ yếu tập trung phát triển ở khu vực phụ tải tại chỗ rất thấp. Do đó các địa phương đã được bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời với quy mô công suất lớn thì hầu hết công suất phát của các dự án sẽ phải thực hiện thu gom, đấu nối lên lưới điện truyền tải và đưa đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện.
Tuy nhiên, hạ tầng điện 100kV – 500kV tại các khu vực này mặc dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải.
Đó là chưa kể sự thiếu hụt nhiên liệu như than, dầu, khí… khiến việc sản xuất điện càng trở nên khó khăn hơn. Tất cả những lý do đó tạo nên một bức tranh khá ảm đạm về khả năng cung ứng điện trong thời gian tới.