Những ngày cuối năm 2020, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) xuất hiện tình trạng đơ, nghẽn lệnh. Bảng điện tử hiển thị sai khiến nhà đầu tư không nắm rõ được cung cầu, không thể mua bán được tại nhiều thời điểm.
Sự cố tiếp tục kéo dài sang năm 2021 và tình hình càng thêm trầm trọng khi lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng lớn. Thanh khoản của HOSE thường chỉ đạt từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng là "tắc nghẽn". Các nhà đầu tư chỉ thực hiện được giao dịch trong buổi sáng, đến chiều là hệ thống quá tải, không nhận lệnh. Cá biệt nhiều phiên có biến động lớn, hệ thống giao dịch của HOSE nghẽn ngay từ đầu phiên sáng.
Nguyên nhân khiến HOSE bị tắc nghẽn đến từ việc số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường quá lớn, đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt, bình quân 100.000 tài khoản mở mới/tháng, lượng lệnh tăng vọt trong khi năng lực xử lý của HOSE lúc đó chỉ ở 900.000 lệnh/phiên. Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn là đòn giáng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.
"Bảng một đằng giá khớp một nẻo, treo lệnh tùm lum, lúc muốn bán không bán được, lúc mua giá hiện một kiểu giá khớp số khác. Các sàn giao dịch trên thế giới họ cũng có lỗi, nhưng khắc phục được ngay. Chúng tôi, những nhà đầu tư Việt Nam cảm thấy rất tủi thân", anh Nguyễn Văn Hoà, một nhà đầu tư cá nhân lớn trên thị trường chia sẻ.
Hệ thống giao dịch chứng khoán tại HOSE được Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp từ cách đây hơn 20 năm, như một cỗ máy lỗi thời so với quy mô thị trường hiện tại. Trong khi đó, hệ thống mới thông qua hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đầu tư hơn 600 tỷ đồng trải qua nhiều năm nhưng vẫn chưa được vận hành.
Những giải pháp như nâng lô từ 10 lên 100, khoán lệnh cho các công ty chứng khoán và đề xuất cấm huỷ/sửa lệnh hay chuyển niêm yết sang HNX, cùng những hứa hẹn về hệ thống mới đều không thể giải quyết triệt để vấn đề nghẽn lệnh. Thật may, đầu tháng 3/2045, Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045".
Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HOSE. Theo ông Bình, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, việc quá tải của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.
Khi đó Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TP.HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xem xét kiến nghị của FPT.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet cho rằng với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn chứng khoán HOSE phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York về mặt công nghệ.
Bà ủng hộ ý kiến của ông Trương Gia Bình và tin rằng các tập đoàn công nghệ Việt Nam như FPT, One Mount Group, Viettel... có khả năng tìm giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Qua khảo sát sơ bộ cần khoảng 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng là có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tài trợ toàn bộ chi phí. Trên thực tế, Sovico là doanh nghiệp đã tài trợ toàn bộ chi phí triển khai thực tế.
"Giải pháp này nếu thành công, sẽ món quà đầu tiên, rất thiết thực của diễn đàn Đối thoại Việt Nam 2045", nữ tỷ phú Phương Thảo khi đó cho biết.
Sovico cùng FPT ngỏ lời muốn được Chính phủ trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân được giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước, trước mắt là sự cố sàn HOSE, Thủ tướng ngay sau đó đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của HOSE, không sử dụng ngân sách.
Chỉ vài ngày sau đó, Bộ Tài chính cho phép FPT thực hiện khảo sát hệ thống giao dịch của HOSE trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp để xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố.
Bắt tay vào công cuộc "giải cứu" HOSE trong 100 ngày, bằng việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới để thay thế cho hệ thống cũ, FPT đã huy động nguồn lực nhân sự gồm 50 kỹ sư cả nội bộ và từ một số công ty phần mềm khác để triển khai hệ thống, kết hợp với 30 cán bộ của HOSE, làm việc cả ngày lẫn đêm.
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE tiết lộ: "Có anh em 36-48h không về nhà, họ đi từ sáng hôm trước đến hôm sau chưa về nhà vì họ phải ở lại trực, đổ dữ liệu cho hệ thống".
Đúng mốc hẹn, hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT triển khai chính thức vận hành 5/7 với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ. Hệ thống mới cũng bỏ cơ chế phân bổ số lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố. Từ tháng 7 đến nay, hệ thống vận hành trơn tru và ổn định. Đây là món quà lớn với cộng đồng nhà đầu tư.
Để chiến dịch giải cứu hoàn tất trong 100 ngày, bên cạnh sự hỗ trợ về công nghệ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh "bài toán lớn là tiền đâu". Nếu theo đúng quy trình thì việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, nghẽn lệnh kéo dài làm mất nhiều cơ hội của kinh tế. Vì vậy, việc Sovico đóng góp hàng chục tỷ đồng rất quan trọng và mang tính cấp bách.
Ngày 15/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao tặng bằng khen cho hai doanh nghiệp vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia xử lý sự cố nghẽn lệnh của HOSE.
Khi được nhận Bằng khen cao quý từ Bộ trưởng Bộ Tài chính, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: "Hai Tập đoàn Sovico, FPT cùng hàng trăm cán bộ nhân viên tham gia dự án rất vinh dự được góp phần đảm báo tính ổn định, liên tục của thị trường chứng khoán, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới, hướng tới sánh vai cùng thị trường London, New York. Giữa bối cảnh đại dịch hoành hành, chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy thì HOSE vẫn giao dịch tích cực trên dưới 30.000 tỷ mỗi phiên, là điểm sáng của tài chính và nền kinh tế nước nhà".
Bà Thảo nhấn mạnh, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia các chương trình lớn của quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia toàn diện. "Doanh nghiệp sẵn sàng cống hiến, xả thân với điều kiện nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, quan hệ quốc tế và tài chính sẵn có. Chúng tôi tin rằng với sự giúp sức của doanh nghiệp, chương trình quốc gia phát triển 2045 thậm chí có thể rút ngắn lộ trình tới chục năm", bà Thảo nói.
Trong khi đó Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng: "Thị trường chứng khoán được xem như ‘phong vũ biểu’ của nền kinh tế, việc đảm bảo tính ổn định HOSE phần tác động uy tín Việt Nam đối với các tổ chức, nhà đầu tư toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư. Qua đó, tôi nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi ở mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực để có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội".
Hai lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân này bày tỏ mong muốn được tin tưởng, trao niềm tin để được giải quyết các vấn đề kinh tế lớn của đất nước. Những công việc mà trước đây chỉ thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì có thể san sẻ bớt sang cho doanh nghiệp tư nhân.
"Việc chống nghẽn lệnh cho sàn HOSE đã chứng minh, khi doanh nghiệp Việt được tin tưởng, hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, từ đó vươn lên và cạnh tranh với các nước phát triển. Chúng ta sẽ sẵn sàng cho những nhiệm vụ lớn lao hơn trong thời gian tới nếu được trao niềm tin", ông Trương Gia Bình nói.
Từ khi HOSE hết nghẽn lệnh, chứng khoán Việt đã bứt phá ngoạn mục với giao dịch toàn thời gian, thanh khoản tăng kỷ lục. Tháng 8, khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên đạt 28.800 tỷ đồng, tháng 10 đạt 27.400 tỷ, tháng 11 vượt 40.200 tỷ đồng. Kỷ lục thanh khoản một phiên giao dịch là trên 52.000 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh trên 1 tỷ cổ phiếu. VN-Index đã chạm mốc 1.511 điểm - mức kỷ lục trong suốt 21 năm thị trường hoạt động, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Phiên 12/11, kỷ lục của chứng khoán Việt khi có tới 200 cổ phiếu "tím lịm" trên 3 sàn.
Sàn HOSE thông, thị trường sôi động, tài khoản mở mới liên tiếp lập kỷ lục. Thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, tính riêng tháng 11, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới nhiều nhất với 220.602 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 4 triệu tài khoản. Đây cũng là một kỷ lục của chứng khoán Việt Nam.
Riêng về vốn hoá, chốt phiên giao dịch ngày 13/12, vốn hoá HOSE đạt mốc 5,698 triệu tỷ đồng, tương ứng 247 tỷ USD, tương ứng 91% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hoá của chứng khoán đạt 120% GDP, số lượng nhà đầu tư đạt 5% vào năm 2025. Nhờ sự cố nghẽn lệnh được giải quyết, mục tiêu này sẽ sớm đạt được.