Doanh nghiệp Việt vẫn chậm chạp trong việc chuyển đổi số
Mở đầu phiên khai mạc FPT Techday 2019 diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT tiết lộ hơn 1.000 cuộc gọi để xác nhận tham dự Diễn đàn lần này được thực hiện chỉ bởi một thực thể - đó là trợ lý tổng đài ảo được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT. AI.
CEO FPT Nguyễn Văn Khoa
"Sự xuất hiện của trợ lý ảo này đã thay thế cho việc phải sử dụng một số lượng không ít nhân sự cho một công việc đơn giản như vậy", CEO FPT tự hào.
Đây chính là khởi nguồn cảm hứng của chủ đề năm nay của FPT Techday: Bắt đầu một sự "Khởi động thông minh" từ những việc giản đơn nhất.
Theo ông Khoa, FPT hiện có hơn 600 khách hàng lớn trên toàn cầu, trong đó hơn 100 khách hàng nằm trong Top Fortune Global 500.
Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp ở Việt Nam chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số là khá lớn. Con số này ở Việt Nam đang gấp khoảng 1,5 lần so với thế giới, và phần lớn trong số đó thừa nhận rằng, vấn đề lớn nhất là họ chưa biết bắt đầu từ đâu.
"Ở vị trí điều hành một doanh nghiệp, tôi hiểu rằng thật không dễ để một nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyết định con đường chuyển đổi số khi còn rất nhiều thứ ưu tiên trước mắt cần phải thực hiện như: tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận, chưa tìm được mô hình nào phù hợp để triển khai, hay tìm đối tác nào đủ tin tưởng để đi cùng.
Tôi cũng hiểu rằng nếu chúng ta không bắt đầu thì chúng ta sẽ dễ dàng bị loại bỏ khỏi cuộc chơi và rất có thể sẽ bị biến mất hoàn toàn. Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp tên tuổi đã bị biến mất khỏi thị trường vì lý do chậm trễ chuyển đổi", CEO FPT nhận định.
Ông Khoa cho biết, FPT đã xây dựng thành công phương pháp chuyển đổi số, đó là Nghĩ lớn – Khởi động thông minh – Nhân rộng thần tốc. Trong đó "Khởi động thông minh" là điều quan trọng nhất, vì nếu không bắt đầu, thì việc nghĩ lớn hay chiến lược cũng trở nên vô nghĩa, và nhân rộng thần tốc càng không thể thực hiện.
FPT cam kết sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển trước: các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp để các doanh nghiệp có thể dễ dàng lựa chọn phù hợp với mình.
Phương pháp luận FPT Digital Kaizen
Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT, trong quá trình tham gia làm các dự án lớn với các đối tác tên tuổi quốc tế như Airbus hay xây dựng nền tảng số phục vụ hoạt động nghiệp vụ bán và thanh toán bảo hiểm dựa trên công nghệ Blockchain cho một hãng bảo hiểm và dịch vụ tài chính lớn thứ hai trên thế giới; FPT đã đúc kết thành một phương pháp luận về Chuyển đổi số của FPT có tên là FPT Digital Kaizen.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT
Theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số là tổ hợp gắn kết không tách rời giữa việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, với việc chuyển đổi hạ tầng công nghệ và chuyển đổi nguồn lực nhân sự của một doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ thuần túy là chuyển đổi về hạ tầng công nghệ.
"Khi chúng tôi bắt đầu với các doanh nghiệp Việt Nam, có một thực tế đáng mừng là có tới trên 70% số doanh nghiệp đã tiếp xúc đều nhận thức rằng Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần phải triển khai cho doanh nghiệp của mình. Nhưng có một thực tế đáng lo, là cũng có tới 70% trong số các doanh nghiệp ấy không biết chính xác hiện trạng hệ thống công nghệ của doanh nghiệp của mình như thế nào, và bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ đâu?
Lấy ví dụ gần đây nhất, chúng tôi đã tiếp xúc với một công ty Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Công ty này đã có 15 năm hoạt động. Trong 10 năm đầu tiên, công ty đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 50%/năm và dễ dàng vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 thị trường. Nhưng rồi các đối thủ cạnh tranh nhảy vào cuộc đua. Họ tận dụng ưu thế về công nghệ, nắm vững khách hàng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, để rồi từ đó tăng tốc vượt lên. Tốc độ phát triển của công ty đã chững lại trong 5 năm gần đây, giảm xuống chỉ còn 15% trong năm ngoái. Tệ hại hơn Lợi nhuận của công ty cũng suy giảm đáng kể. Lợi nhuận của năm tài chính 2018 chỉ còn tương đương 55% lợi nhuận của năm 2013", ông Việt Anh chia sẻ về một khách hàng lớn của FPT.
Theo ông Việt Anh, công ty trên gặp 3 vấn đề lớn, đó là khách hàng quản lý phân tán, hệ thống vận hành thủ công lạc hậu và năng suất lao động không được đo đạc đánh giá tới từng cá nhân.
Gian trưng bày sản phẩm công nghệ của FPT
FPT đã sử dụng phương pháp Kaizen để giúp doanh nghiệp quay lại đà tăng trưởng cao. Đó là:
Nghĩ Lớn: FPT cùng thống nhất với khách hàng sẽ xây dựng một lộ trình tham vọng trong vòng 3-5 năm sẽ đưa doanh nghiệp trở lại vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực của mình. Để thực hiện được điều đó, doanh nghiệp cũng xác định điểm khác biệt cốt lõi của mình chính là "Hiểu biết sâu sắc khách hàng" và "Chất lượng sản phẩm dịch vụ tuyệt hảo". Chúng tôi đã cùng nhau phân tích các xu hướng chung của thế giới cũng như hành động của các đối thủ, để từ đó đưa ra được lộ trình chuyển đổi số.
Bắt đầu Thông minh: Rõ ràng với tình hình thực tế của doanh nghiệp, có rất nhiều việc phải tập trung xử lý, nhưng nguồn lực cũng như năng lực thì có hạn. Vì vậy FPT đã áp dụng nguyên lý thứ hai "Bắt đầu thông minh" để tập trung vào những vấn đề (1) Có tính thiết yếu sống còn cho doanh nghiệp; (2) Có độ khả thi cao với doanh nghiệp, và (3) Lựa chọn 3-5 dự án khởi điểm đơn giản, dễ thực hiện trong khoảng thời gian không quá 3 tháng là phải đem lại kết quả cụ thể.
Tăng Quy mô nhanh: Các dự án được lựa chọn để triển khai phải có khả năng triển khai quy mô lớn, nhanh chóng trên quy mô toàn doanh nghiệp.
Với những nỗ lực của cả hai bên, sau 3 tháng triển khai thí điểm, các kết quả ban đầu đem lại rất tích cực: Dữ liệu khách hàng đã được quản lý tập trung toàn bộ. Các phản hồi về chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp đã được ghi nhận và kiểm soát tập trung, từ đó có các kênh liên lạc và xử lý tương ứng cho khách hàng; Rút ngắn được 15% thời gian thực hiện quy trình Order-To-Cash và còn có thể rút ngắn được hơn nữa trong thời gian tiếp theo; Năng suất lao động của nhóm triển khai bảo trì đã được đo lường chính xác và tăng 10% sau quá trình triển khai thí điểm.
Phó Tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh kết luận, chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa.