Trả lời Báo Thanh Niên dịp cuối năm, cũng là cột mốc đánh dấu 1.000 ngày hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại, TS Trần Đình Thiên (ảnh) đánh giá nền kinh tế đang có đà và có thế. Đó là lợi thế của Chính phủ sau 1.000 ngày vượt khó thành công. Phát huy cách tư duy và tiếp cận hành động đang có chính là yếu tố bảo đảm thành công thực chất cho năm 2024 và cả những năm tiếp theo.
"Không gian đầy biến cố khốc liệt" mà Chính phủ hiện hành vừa trải qua cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Có thể nói, trong giai đoạn gần 40 năm đổi mới của VN, chưa có lúc nào khó khăn như 3 năm vừa qua. 1.000 ngày tích nén toàn những biến cố khác thường, tầm cỡ lịch sử và nhân loại: Đại dịch Covid-19 kinh hoàng; đứt chuỗi kinh tế toàn cầu kéo dài; xu thế suy thoái kinh tế và lạm phát cao hiếm thấy; động thái khó lường của các dòng tiền, dòng vốn trên toàn thế giới... Tất cả diễn ra trong môi trường chiến tranh và xung đột, trong xu thế gia tăng bất ổn…
Đương nhiên, tính tiêu cực chỉ là một mặt của vấn đề. Xu thế biến đổi công nghệ nhanh chưa từng thấy - sự bùng nổ thị trường ô tô điện, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, điển hình là Chat GPT; xu thế chuyển sang năng lượng tái tạo và kinh tế xanh; cuộc đua và đấu trong lĩnh vực chip bán dẫn và đất hiếm, cùng những rủi ro số - công nghệ cao… đang tác động mạnh mẽ theo hướng định hình cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.
Có thể thấy, thế giới đang được định dạng bằng 3 thuộc tính: bất thường, bất ổn và bất trắc. Chưa kể "những cơn gió ngược" đang hoành hành trong ngắn và trung hạn. Cùng với xu thế biến đổi khí hậu đang đặt nhân loại trước những thách thức sống còn mà thảm họa Covid-19 có lẽ cũng chỉ là một sự cố có tính cảnh báo.
Trong thế giới đó, Việt Nam đi sau, còn nhiều yếu kém, nhưng lại là nền kinh tế mở cửa sâu rộng bậc nhất, đương nhiên sẽ hứng chịu tác động mạnh hai chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. VN cũng trải qua những năm Covid-19 đau thương, nền kinh tế phải vật lộn với tình trạng đứt chuỗi, đứt mạch toàn cầu, đương đầu với căn bệnh lạm phát cao - lãi suất cao và tỷ giá hối đoái bất ổn.
Những yếu tố khách quan đó cộng hưởng với những "tật" và "bệnh" riêng của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, tạo thành một tình thế phát triển nhiều nghịch lý và khó khăn hiếm thấy. Đại dịch Covid-19 có lúc đã đẩy nền kinh tế thị trường trở về tình trạng "ngăn sông cấm chợ". Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đụng phải bức tường thành thủ tục. Nền kinh tế "khát vốn" đến mức "khô máu". Nhiều doanh nghiệp mất cả năng lực hấp thụ vốn…
Đó là môi trường thách thức năng lực và bản lĩnh quản trị, điều hành của Chính phủ, đúng theo nghĩa đen. Không gian đầy biến cố khốc liệt mà tôi nói, cũng hoàn toàn theo nghĩa đen.
Trong không gian đó, theo ông kết quả lớn nhất mà Chính phủ đạt được là gì?
Kết quả lớn nhất sau 1.000 ngày hoạt động vừa qua của Chính phủ có thể tóm lại ở hai từ: Trụ vững và xoay chuyển tình thế. Nền kinh tế "trụ vững" trong đại dịch Covid-19, vượt qua tình trạng đứt chuỗi đồng thời, tạo lập cơ sở để chuyển nhịp, bước vào quỹ đạo phát triển mới - công nghệ cao, hội nhập quốc tế tầm cao một cách tự tin. Tôi cho rằng đó là những thành công lớn, xứng đáng được ghi nhận.
Ông có thể lý giải rõ hơn nhận định đó ?
Chuyển tư duy, chính sách chống dịch Covid-19, từ phương pháp "truy bắt, cách ly", dựa chủ yếu vào các biện pháp "hành chính - cưỡng bức" sang "chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn quốc" một cách nhanh chóng, trong điều kiện cực kỳ khó khăn và cấp bách lúc đó có thể coi là điển hình của cách hành động "xoay chuyển tình thế". Tuy không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là Chính phủ đầu tiên áp dụng nguyên tắc "tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường", song đợt chống dịch vừa qua khẳng định cả bản lĩnh lẫn năng lực "dĩ bất biến, ứng vạn biến" thành công của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu.
Cũng theo logic "bất thường - khác thường" và đạt được những kết quả bước đầu hứa hẹn có thể kể đến là nỗ lực giải ngân đầu tư công. Tôi vẫn nói đây là cuộc tấn công vào thành trì "bất khả" của cơ chế "xin - cho" và "quy trình - thủ tục". Dù bước tiến chậm, kết quả chưa thực sự nhiều nhưng xu thế tích cực là chắc chắn.
Cách điều hành vĩ mô của Chính phủ thời kỳ sóng gió vừa qua cũng bộc lộ phần nào năng lực và bản lĩnh của Chính phủ và Thủ tướng. Giữ nhịp tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô cho nền kinh tế mở trong điều kiện thế giới đứt chuỗi, lạm phát cao là một thành tích thật sự có ý nghĩa. Đó là kết quả của cách quản trị - điều hành linh hoạt, theo tinh thần "vạn biến" tích cực. Tôi vẫn cho rằng rất khó đạt thành công như vậy trong một nền kinh tế đang nặng cơ chế "xin - cho" và có cơ cấu "nhị nguyên".
Còn những "xoay chuyển" khác, rất thú vị, cả thành công lẫn chưa thành công; có những cái đang mở ra triển vọng sáng sủa, đi kèm thách thức lớn.
Ví dụ khát vọng xây dựng Việt Nam thành "cứ điểm sản xuất chip bán dẫn toàn cầu" và cách hành động để đạt mục tiêu đó của Chính phủ trong năm 2023 là đầy ấn tượng. Nó tạo cảm hứng mạnh, gieo niềm tin và truyền thông điệp về bước chuyển từ logic phát triển "tuyến tính" thông thường sang logic "phi tuyến tính". Cam kết phát triển kinh tế xanh, đạt zero carbon vào năm 2050 cũng là cách tiếp cận hành động có phần khác thường như vậy.
Đặt ra những nhiệm vụ có tính thách thức cao, trước hết để thử thách năng lực và bản lĩnh của chính Chính phủ, có vẻ là cách định hướng hành động mới. Nếu đúng như vậy, đây quả thật là một bước ngoặt tư duy có ý nghĩa. Logic đơn giản: thách thức Chính phủ sẽ mở đường đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Thủ tướng vừa chỉ đạo cao tốc Bắc - Nam phải chạy tới tận Đất Mũi, nghĩa là kéo dài thêm 90 km so với quy hoạch cũ. Nhìn lại 1.000 ngày nhiệm kỳ Chính phủ hiện hành, chiều dài cao tốc trên cả nước đã lên tới gần 2.000 km trong khi gần 20 năm trước đó cả nước mới chỉ có 1.163 km cao tốc đi vào khai thác, ông đánh giá thế nào về con số này?
Thật sự đáng kinh ngạc. Mấy năm qua, chúng ta chứng kiến nỗ lực giải tỏa tắc nghẽn hạ tầng kết nối quốc gia, không phải ở một vài điểm, tại một vài nút thắt, bằng vài sự tháo gỡ riêng lẻ. Đây là giải tỏa hệ thống, trong cả nền kinh tế, trên tất cả các tuyến - cao tốc đường bộ, đường hàng không, cảng biển, và gần đây là đường sắt tốc độ cao. Đó không phải là nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn riêng biệt, với động cơ lập thành tích chào mừng mà là cách làm nhằm khai thông hệ thống, tạo thế và lực phát triển quốc gia và vùng, để đạt mục tiêu xoay chuyển cục diện phát triển.
Số ki lô mét đường cao tốc làm được gần gấp đôi sau chưa đầy 3 năm là thành tích đầy ấn tượng, có ý nghĩa đột phá. Nhưng quan trọng hơn con số là khí thế phát triển được xác lập ở các địa phương.
Từ các tỉnh ĐBSCL nhiều khó khăn cho đến các tỉnh đông Nam bộ dẫn đầu, lên các tỉnh miền núi phía bắc xa xôi đang rất nghèo và khó, đều nhận thấy khí thế trỗi dậy mạnh mẽ. Rõ ràng, cách làm mới đang mở ra triển vọng.
Nhưng mặt khác, cần đánh giá đúng hệ lụy và tác động không mong muốn của cách triển khai xây dựng hạ tầng ồ ạt. Giá vật liệu xây dựng tăng vọt, phương án tài chính của các dự án giao thông - đô thị bị đe dọa, áp lực giải phóng mặt bằng và những rủi ro chính sách kéo theo... là những "đánh đổi" phải được tính đến chặt chẽ hơn trong bài toán "chi phí - lợi ích" ở tầm chiến lược.
Việc thay đổi chiến lược, phát huy vai trò động lực dẫn dắt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đầu tư công thay vì tư nhân là động lực như trước đó, theo ông có phải là mấu chốt để kinh tế VN trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay như đánh giá của nhiều tổ chức uy tín thế giới không thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định vai trò nền tảng của đầu tư tư nhân trong tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường ở VN những năm qua.
Mặt khác, phải thấy trong hơn một thập niên gần đây, xuất hiện một tình trạng "nghịch lý": mặc dù thu hút đầu tư tư nhân, cả tư nhân trong nước lẫn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng kinh tế của vùng đông Nam bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước - lại bị suy giảm mạnh. Lý do chủ yếu là tắc nghẽn hạ tầng kết nối, mà nguyên nhân chính là do giảm mạnh đầu tư công.
Trong khi đó, những vùng có sự cải thiện rõ rệt vị thế quốc gia - điển hình là đồng bằng sông Hồng và vùng trung du - miền núi phía Bắc, đều nằm trong xu thế gia tăng vai trò đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Được khởi phát cách đây hơn mười năm, từ kinh nghiệm Quảng Ninh, cách tiếp cận "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" có ý nghĩa rất lớn ở tầm chiến lược. Nó giúp tạo cộng hưởng sức mạnh quốc gia, liên kết sức mạnh công - tư, mở ra động lực phát triển mới cho nền kinh tế.
Cách tiếp cận "công - tư" theo tinh thần thị trường đang dẫn dắt quá trình cải cách thể chế, với luật PPP, luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Kinh doanh bất động sản, và cả nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công… đang diễn ra.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải lưu ý những bước tiến chậm chạp trong nỗ lực tái cơ cấu các thị trường tài chính - tiền tệ; khó khăn của công cuộc "phân cấp - trao quyền" T.Ư - địa phương… vẫn phát ra những tín hiệu cảnh báo không thể xem thường.
Dù nhiều thành công nhưng nền kinh tế vẫn tồn đọng không ít vấn đề, cả những vấn đề đáng lo ngại. Khu vực nội địa đang gặp khó khăn chưa từng thấy; bất động sản, kéo theo khu vực ngân hàng, và rộng hơn, cả nền kinh tế, đương đầu với tình trạng khát vốn, nợ xấu gia tăng, năng lực hấp thụ vốn kém, sức mua thị trường giảm mạnh, ông lý giải thế nào về tình trạng này?
Nỗ lực to lớn của Chính phủ để giải tỏa tình trạng trì trệ, tắc nghẽn trong nền kinh tế là không có gì phải nghi ngờ. Cách tiếp cận giải quyết vấn đề - quyết liệt, dứt khoát, nhanh và mạnh - cho thấy rõ động cơ hành động vì nền kinh tế, vì mục tiêu khai thông thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Việc đưa nền kinh tế thoát nhanh khỏi trạng thái bị tê liệt vì đại dịch Covid-19 là một bằng chứng rõ ràng. Hàng loạt giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ - miễn giảm thuế, cắt bỏ thủ tục, hạ lãi suất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bơm mạnh vốn cho nền kinh tế, tăng lương cho người lao động… được tiến hành ráo riết, gần như đồng loạt, chứng tỏ tính quyết liệt trong hành động của Chính phủ.
Tuy nhiên, thị trường vốn nghiệt ngã. Với nó, mọi sự muộn màng đều phải trả giá. Nền kinh tế lâm vào "vòng xoáy", với những cơn rung lắc từ các vụ "đại án" - hệ lụy sâu xa của việc duy trì quá lâu trạng thái mất cân đối, méo mó của các thị trường. Tình trạng này không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Nhưng có cơ sở để đặt kỳ vọng vào khả năng "thoát hiểm" của nền kinh tế. "Không có vấn đề nào không có cách giải quyết" là lời Thủ tướng nhiều lần khẳng định; cũng không ít lần nền kinh tế thành công với cách hành động đó.
Cao tốc, vắc xin, ổn định vĩ mô... với cá nhân ông, đâu là thành tích nổi bật nhất trong 1.000 ngày của Chính phủ, và vì sao?
Các thành tích đều nổi bật, mỗi thứ một kiểu đặc sắc, mỗi cái có giá trị riêng.
Cá nhân tôi có ấn tượng đặc biệt về nỗ lực đột phá chip bán dẫn diễn ra trong năm 2023. Đó thực sự là đột phá, về cả tầm chơi và cách chơi. Tầm chơi công nghệ cao, "sánh vai cường quốc"; cách chơi là tiếp cận "song kiếm" Chính phủ - doanh nghiệp, theo logic "đối tác chiến lược", tuân thủ nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Đầu năm, VN tiếp đoàn doanh nhân Mỹ, bao gồm đại diện của 52 tập đoàn công nghệ hàng đầu. Gần cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khai mở thị trường công nghệ cao Mỹ ngay sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Cuối năm là những chuyến thăm - khảo sát và cam kết đầu tư của các tập đoàn công nghệ, đặc biệt các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn.
Những biến cố đó phát tín hiệu "khai mở" cho một quá trình thực tiễn, quá trình hiện thực hóa đường lối phát triển đất nước theo logic tiến vượt, định hướng kinh tế số - công nghệ cao cùng Chiến lược FDI mới mà VN bắt đầu triển khai trong thực tế. Cả "chân trời" và "người bay" cho VN, của VN - những khắc khoải khôn nguôi của nhà thơ Trần Dần trước đây - giờ đây, cả hai thứ đã ló dạng.
Sẽ không dễ dàng, nhưng thế và đà đã được xác lập!
Năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc với nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong đó hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Năm 2024 có lẽ vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể tưng bừng lạc quan được. Thế giới hãy còn bất ổn; triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chưa rõ ràng. Trong bối cảnh đó, không nên đặt kỳ vọng quá mức vào tốc độ tăng trưởng cao. Thành tích tăng trưởng luôn là quan trọng, nhưng dễ phải trả chi phí lớn để đạt được một khi các điều kiện tăng trưởng không thuận lợi. Chi phí để đạt 1% tăng trưởng lúc khó sẽ cao hơn đáng kể so với điều kiện bình thường. Mà nước ta hãy còn nghèo, doanh nghiệp Việt lại đang rất yếu.
Trong khi đó, dư địa cho cải cách thể chế - tái cấu trúc thị trường tài chính - ngân hàng, nhu cầu có luật Đất đai phù hợp với kinh tế thị trường, yêu cầu cải cách cơ chế giải ngân vốn đầu tư công... là rất cấp bách, là những việc cần làm ngay để giải phóng các năng lực tiềm tàng của nền kinh tế. Chưa kể áp lực gia tăng nhanh của đòi hỏi xây dựng các thể chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu năng lượng, phát triển kinh tế xanh.
Bên cạnh thể chế, việc chuẩn bị các điều kiện vật chất nền tảng cho nền kinh tế mới - hạ tầng kết nối, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, nguồn nhân lực công nghệ, lực lượng kỹ sư chế tạo chip... sẽ là những vấn đề sống còn trong nay mai của đất nước.
Tập trung cho hai nhóm vấn đề này thay vì bị "thôi miên" quá mức vào "tốc độ" tăng trưởng cao thiết nghĩ là cách lựa chọn chiến lược khôn ngoan, ngay trong tầm nhìn trung - ngắn hạn.
TS Trần Đình Thiên