Sau nhiều năm thực hiện quy trình kiểm tra áp lực nghiêm ngặt và củng cố kỷ cương, giờ đây các công ty tài chính được cho là đang ở vị trí tốt hơn để đối mặt với 1 cú sốc điển hình như cú sốc do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.
Giảm tổng cộng 29% kể từ tháng 1 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm đang thấp hơn 20% so với diễn biến trung bình của chí số S&P 500, mức thể hiện tồi tệ nhất trong lịch sử. Khoảng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị thổi bay, gần bằng con số 1.200 tỷ USD mà chúng ta đã chứng kiến trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trong khi các công ty thuộc những ngành nhạy cảm với sức khỏe kinh tế vĩ mô như năng lượng dẫn đầu đà hồi phục của S&P 500 trong 2 tháng qua, các cổ phiếu ngân hàng vẫn tụt lại phía sau, bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ về mọi thứ, từ lãi suất âm đến cắt giảm cổ tức và nợ xấu. Điều này khiến giới phân tích cảm thấy bối rối khó hiểu, bởi chắc chắn lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nếu so sánh với khủng hoảng 2008 thì độ lớn và thời gian khủng hoảng nhỏ hơn rất nhiều.
Theo Mike Mayo, chuyên gia phân tích của Wells Fargo, trong thập kỷ vừa qua các ngân hàng đã tăng gấp đôi vốn và tăng gấp rưỡi thanh khoản, do đó họ đã kiên cường hơn rất nhiều nhưng lại đang bị đối xử giống như năm 2008. "Đó là 1 sai lầm của thị trường".
Triển vọng lợi nhuận cũng sáng sủa hơn. Năm 2008, lợi nhuận đã giảm 8 quý liên tiếp và biến thành những khoản lỗ khổng lồ. Hiện nay giới phân tích dự đoán quãng đường chỉ ngắn bằng một nửa và khoản lỗ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Nhưng những điều này chưa thể trấn an những nhà đầu tư đã dùng 13 năm qua để tự làm lành vết thương quá lớn và đến tận tháng 12 năm ngoái mới có thể hòa vốn. Khi S&P 500 rơi vào thị trường con gấu nhanh nhất trong lịch sử hồi tháng 3, cổ phiếu ngân hàng xếp hạng áp chót, chỉ tốt hơn cổ phiếu năng lượng. Khi thị trường phục hồi, họ vẫn là nhóm diễn biến tệ thứ hai.
Điều này cũng trái ngược với những gì diễn ra trong quá khứ. Trong 3 thời kỳ thị trường con gấu gần đây nhất, cổ phiếu tài chính thường là nhóm dẫn dắt đà hồi phục. Một số người cho rằng đó có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn chưa chạm đáy, nhưng phần lớn vẫn cảm thấy nghịch lý này rất khó hiểu.
Có thể đỗ lỗi cho nỗi sợ về lãi suất âm. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố Mỹ sẽ tránh sử dụng chính sách này, lãi suất âm đã đè nén các ngân hàng châu Âu trong suốt 6 năm qua, gây áp lực lên lợi nhuận. CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase từng cảnh báo về "những hậu quả khổng lồ" của lãi suất âm.
Cắt giảm cổ tức là mối nguy ở gần hơn. Sau khi 8 ngân hàng lớn ở Mỹ nhất trí ngừng mua cổ phiếu quỹ trong quý II để hỗ trợ khách hàng trong đại dịch, các chuyên gia phân tích thể hiện nỗi lo ngại về sự an toàn của dòng cổ tức. Theo nhận định của Morgan Stanley, cổ tức của Goldman Sachs đứng trước nhiều rủi ro nhất. Atlantic Equities hạ bậc xếp hạng tín dụng của Wells Fargo vì khả năng ngân hàng này cắt giảm cổ tức là rất lớn. Đầu tháng 5, Thống đốc Fed Randal Quarles cũng nhận định Fed có thể làm giảm khả năng chi trả cổ tức của các ngân hàng ở phố Wall bằng cách yêu cầu họ phải tăng vốn để ứng phó với đại dịch.
Ở thời điệm hiện nay, khi mà các cổ phiếu tăng trưởng như nhóm cổ phiếu công nghệ đang thống trị và tăng giá điên cuồng, thật khó để cảm thấy hào hứng trước các cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, theo Brian Nick, chiến lược gia trưởng tại Nuveen, mức định giá của các cổ phiếu ngân hàng khiến chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn trong kịch bản nền kinh tế hồi phục. Với tỷ lệ P/B ở mức 1,1 lần, hiện nhóm này đang được giao dịch ở mức giá rẻ nhất so với S&P 500 kể từ năm 2009.
Tham khảo Bloomberg