Mặc dù giá đường tinh luyện tại thời điểm này giảm sát đáy với mức 12.000đ/kg, nhưng các doanh nghiệp (DN) mua đường vẫn “án binh bất động”, hiện tại đang là giai đoạn cao điểm các DN cần mua đường phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến bánh kẹo, hàng hóa phục vụ tết.
Việc không bán được kilogram đường nào đã khiến nhiều nhà máy sản xuất mía đường không còn đủ tiền để mua nguyên liệu mía phục vụ cho sản xuất.
Lý giải nguyên nhân này, ông Phạm Quốc Doanh cho biết: Các DN mua đường đang đợi đến đầu năm 2018 để được mua đường với giá rẻ, bởi đến lúc đó, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Từ năm 2018, các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam, trong khi thuế suất, nhập khẩu chỉ ở mức 5%. Điều này đặt nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, nguy cơ “đắp chiếu” bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với đường trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến hàng nghìn lao động ngành mía đường có nguy cơ bị mất việc làm.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017.
Đồng thời, VSSA cũng kiến nghị, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan cũng giảm 50% so với trước đây chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.
Ngày 6.10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của VSSA. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT và các cơ quan địa phương xem xét kiến nghị của VSSA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.10.
"Tuy nhiên, dù hôm nay đã đến thời hạn báo cáo nhưng được biết, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện được báo cáo do còn một số vướng mắc" - ông Phạm Quốc Doanh băn khoăn cho biết.