Từ đầu tháng 3, nhiều nhà bán lẻ dùng nhiều chiêu khóc lóc, năn nỉ…, kể cả những tuyên bố cứng rắn với chủ nhà để xin giảm tiền thuê nhà trong thời kinh doanh khốn khó của cơn dịch Covid-19. Có chủ nhà tốt bụng nói: “Khi nào còn đóng cửa, chị sẽ không lấy tiền thuê nhà. Tháng đầu tiên sau khi mở cửa trở lại, chị lấy 50%”. Nhưng cũng không ít chủ nhà kiên quyết “y án” với hợp đồng đã ký. “Không giảm gì hết, không muốn thuê, hãy trả nhà cho tui”, một chủ nhà ở Q.3 dứt khoát.
Sau khi dịcb Covid-19 bùng phát, nhiều mặt bằng phải đóng cửa vì không có khách và giá mặt bằng quá cao.
Ảnh: Song Minh
Mềm trước…
Cách đây mấy hôm, hệ thống bán lẻ Thế giới Di động (Thegioididong.com, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh) bị cộng đồng mạng “ném đá” khi nhiều tờ báo “dẫn lời” ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch hội đồng quản trị của Thế giới Di động xoay quanh chuyện giảm giá thuê mặt bằng: “Giảm 50% giá thuê mặt bằng trong vòng 12 tháng và miễn tiền thuê mặt bằng những cửa hàng tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Nếu các chủ nhà không chung sức, Thế giới Di động sẽ trả lại mặt bằng, chấp nhận mất tiền cọc”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Tài chia sẻ: “Để có được thông điệp trên, có mấy ai hiểu rằng chúng tôi đã phải thật nhẹ nhàng, mềm mại với các chủ nhà (đối tác) từ đầu tháng 3 cho đến nay”.
Theo lời ông Tài, mất gần 1 tháng đàm phán với các chủ nhà về việc giảm tiền thuê nhà nhưng chỉ có chừng 20% đối tác đồng ý giảm từ 20 – 50% tùy theo giá trị mặt bằng. Vị chủ tịch của Thế giới Di động cho biết thêm, nhóm cửa hàng được đề cập giảm giá và miễn phí lần này là 2.964 cửa hàng của hai chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh.
Thế giới Di động đang đàm phán với các chủ mặt bằng để điều chỉnh giá thuê. Trong ảnh: siêu thị Điện máy Xanh trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP.HCM) tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16. Ảnh: Song Minh
Với cách tiếp xúc “êm êm nhẹ nhẹ”, FPT Shop đang thuyết phục các chủ nhà giảm tiền thuê nhà cho 533 cửa hàng trên toàn quốc. “Chúng tôi chia sẻ những khó khăn trong lúc này xin chủ nhà giảm tiền nhà. Chưa có số liệu chung nhưng cũng có chủ nhà giảm tiền thuê nhà trong 4 tháng, có chủ nhà giảm 8 tháng… Nhiều mức lắm. Còn giảm tỷ lệ bao nhiêu tùy vào từng chủ nhà”, bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch hội đồng quản trị của FPT Shop nói.
Chỉ với 8 cửa hàng nhưng nằm ở vị trí sang trọng như Saigon Center, Landmark 81, giao lộ Võ Thị Sáu – Pasteur (Q.3)…, ông Mai Triều Nguyên, giám đốc điều hành hệ thống Mai Nguyên nói: “Lúc này chỉ còn cách khóc với chủ nhà thôi. Họ thương thì giảm, còn không thì thôi”.
Theo ông Nguyên, hiện các trung tâm thương mại giảm tiền thuê mặt bằng trong tháng 4, còn các chủ nhà riêng lẻ có mức giảm từ 20 – 30%. “Giảm được đồng nào mừng đồng đó, lúc này nhà bán lẻ chỉ biết làm nhiều cách để giảm lỗ. Còn với các trung tâm thương mại, tui sẽ khóc tiếp”, ông Nguyên nói có vẻ rất thật.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, chủ chuỗi Di Động Việt cho biết, trong tháng 3 đã bắt đầu năn nỉ chủ nhà giảm tiền thuê. “Nhiều chủ nhà sẵn sàng chia sẻ với người thuê. Có chủ nhà giảm 30%, có người giảm 50%, thậm chí khi cửa hàng đóng cửa từ ngày 1/4, có chủ nhà đã miễn phí trong thời gian đóng cửa, còn sau khi mở cửa trở lại sẽ giảm tiếp 30 – 50% trong 2 – 3 tháng”, ông Đạt nói.
Nhưng nhiều nhà bán lẻ “tròn mắt” khi biết thông tin đề nghị giảm giá thuê mặt bằng của Vincommerce là 50% hằng tháng cho thời gian còn lại của hợp đồng thuê nhà!
Cứng sau!
Ông Tài xác nhận có đưa ra những tuyên bố thể hiện tính “cứng rắn” của Thế giới Di động trong việc giảm tiền thuê mặt bằng hiện nay và trong năm 2020. “Sau một tháng đàm phán trên tinh thần 'tình thương mến thương' nhưng chỉ đạt được 20% chủ nhà chấp nhận chia sẻ với khó khăn của nhà bán lẻ, đã đến lúc chúng tôi cần đưa ra thông điệp rõ ràng mà nhiều người cho rằng quá cứng rắn, thậm chí nói tôi cao ngạo”, ông Tài nhấn mạnh.
Sau khi hết dịch Covid-19, giá mặt bằng sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm, từ 20 - 30% tùy theo vị trí. Trong ảnh: Nhiều mặt bằng mời gọi thuê nhà nhưng chẳng ai thuê vì chưa thể bán hàng vào lúc này và giá cao.
Ảnh: Song Minh
Ông Tài không giấu giếm chuyện sau khi mở cửa trở lại, sẽ trả lại một số mặt bằng có mức thuê cao nhưng chủ nhà không giảm trong dịp này. “Trong thời buổi kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh, thiên tai…, đã là đối tác, phải biết chia sẻ khó khăn với nhau. Trong điều kiện bình thường, khi đơn phương đóng cửa vì không hiệu quả, Thế giới Di động chưa bao giờ ngỏ lời xin xỏ gì cả. Nay sẽ khác”, ông Tài nói thêm. Sau khi hết dịch, lượng mặt bằng cho thuê sẽ dồi dào, đây là nguồn hàng mà Thế giới Di động muốn nhắm đến.
Theo lời ông Tài, đây cũng là dịp rà soát lại hệ thống bán lẻ, “sẽ mạnh tay xóa tên những mặt bằng có giá thuê cao nhưng không hiệu quả, chuyển sang những mặt bằng có giá thấp hơn”.
Ông Nguyên của Mai Nguyên xác nhận sẽ sớm đưa ra quyết định trả lại một số mặt bằng để dồn sức cho những mặt bằng đẹp hơn. Bà Điệp nhìn ở góc độ khác: “Trước đây, vì cạnh tranh mở chuỗi mà có những mặt bằng bị hét giá quá cao. Nay là dịp coi lại để giữ mặt bằng nào, trả mặt bằng nào, đồng thời tìm thêm những mặt bằng mới với giá hợp lý khác”.
Từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, khi chính quyền yêu cầu nhiều ngành nghề kinh doanh tạm đóng cửa, nhiều bên thuê đã mạnh tay trả lại mặt bằng sau khi không thể đàm phán mức thuê mới với chủ nhà. Ông Toàn thuê mặt bằng bán cà phê trên đường Lê Văn Sĩ (Phú Nhuận, TP.HCM) nói rằng, đã đến lúc coi lại giá thuê mặt bằng vốn đang ở mức cao chót vót để trả về mức thấp hơn. “Giá mới thấp hơn giá hiện nay chừng 30% là hợp lý”, ông Toàn đưa ra ý kiến.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá thuê mặt bằng tăng mạnh. Đã đến lúc trả lại giá trị thực cho mặt bằng thuê để giá thành dịch vụ, sản phẩm dễ chịu hơn…