Trước đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao cho thành phố là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý vận hành khai thác dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo BQL dự án 2, tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài có điểm đầu dự kiến từ đường Vành đai 3 (Hoóc Môn, TPHCM), song song với tuyến đường sắt Tân Chánh Hiệp-Trảng Bàng. Sau đó cắt ngang đường Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, ĐT782, ĐT787, đến khu vực đường sắt Gò Dầu (Tây Ninh), cắt qua quốc lộ (QL) 22B, đến gần Km 4+00, tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ về phía QL22, giao với QL22 tại Km 52+850, kết nối với điểm cuối là cửa khẩu Mộc Bài hoặc chốt Cây Me. Chiều dài dự kiến là 53,5-64,2 km.
Theo đề xuất, cao tốc TPHCM-Mộc Bài được đầu tư hai giai đoạn (giai đoạn 1 xây dựng bốn làn xe, giai đoạn 2 là 6-8 làn xe). Trong đó, giai đoạn 1 được chia ra thành hai phân đoạn: TPHCM-Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng-Mộc Bài (dài 20,5 km).
Đoạn TPHCM-Trảng Bàng có lưu lượng giao thông lớn hơn được đầu tư xây dựng với quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Còn lại, đoạn Trảng Bàng-Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ.
Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này. Theo đó, Thủ tướng kết luận, trong tháng 9/2018, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này, để từ đó Thủ tướng có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng của tuyến đường, tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau để tiến hành khởi công sớm nhất.
Khi hoàn thành, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TPHCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TPHCM.
Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM).
Về phương thức đầu tư, nếu sử dụng nguồn vốn ODA hoặc ngân sách Trung ương sẽ khó khăn và kéo dài thời gian. Vì vậy, 2 địa phương thống nhất kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao TPHCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư dự án.
Hai địa phương thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) và quy mô đầu tư giai đoạn I được đề cập trong Báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án được Bộ GTVT chuyển tới Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2019.
Theo đó, phạm vi GPMB thực hiện hoàn chỉnh cho toàn bộ mặt cắt ngang ngay trong giai đoạn I (đoạn từ TPHCM đến Trảng Bàng xây dựng quy mô 8 làn xe; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài xây dựng quy mô 6 làn xe). Quy mô đầu tư giai đoạn I, hai địa phương thống nhất kiến nghị xây dựng 4 làn xe hạn chế trên toàn tuyến.
UBND TPHCM sẽ sử dụng ngân sách của Thành phố hỗ trợ cho dự án thực hiện công tác bồi thường GPMB trên địa bàn thành phố và một phần chi phí xây lắp. Ngân sách của tỉnh Tây Ninh hỗ trợ cho dự án thực hiện công tác bồi thường GPMB và một phần chi phí xây lắp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Dự kiến, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sungroup và doanh nghiệp này đề nghị sẵn sàng tham gia cùng với 2 địa phương là Tây Ninh và TPHCM để đẩy nhanh dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài.