Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới vừa công bố bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng (Brand Finance Banking 500) lớn nhất toàn cầu năm 2022.
Việt Nam có 11 ngân hàng lọt bảng xếp hạng 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, BIDV, MB, ACB, Sacombank, HDBank và SHB. Như vậy, trong năm 2022, Việt Nam có thêm 2 ngân hàng mới lọt vào Top500 là HDBank và SHB, 9 ngân hàng còn lại đều có thứ hạng tăng mạnh so với năm 2021.
Cụ thể, Agribank là ngân hàng sở hữu giá trị thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam, đứng thứ 157 trên toàn cầu, tăng 16 bậc so với năm trước. Xếp sau đó là Vietcombank, đứng thứ 162, tăng 18 bậc. Các ngân hàng còn lại bao gồm VietinBank, Techcombank, VPBank, BIDV, MB, ACB, Sacombank, HDBank và SHB có thứ hạng lần lượt là 184, 196, 205, 212, 247, 311, 370, 430 và 456.
Trong số các thương hiệu này, MB là một trong những thương hiệu tăng giá trị nhanh nhất trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022, với tốc độ 113% lên 642 triệu USD. Theo Brand Finance, MB đã tiếp tục đổi mới, đặc biệt là trong hoạt động chuyển đổi số thông qua hoạt động hợp tác với công ty công nghệ hàng đầu, Software AG, để cung cấp các dịch vụ trực tuyến tốc độ cao cho khách hàng.
Tương tự, Techcombank (tăng 80% lên 945 triệu USD) cũng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng điện toán đám mây như một phần trong chiến lược khách hàng là trọng tâm.
Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam đã đưa hai cái tên mới mới lọt vào top 500 năm nay, đó là HDBank (tăng 53% lên 248 triệu USD) và SHB (tăng 63% lên 211 triệu USD).
Nhìn ở cấp độ quốc gia, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu tổng thể là 49%, ngành ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.
''2022 là một năm rất thành công đối với các ngân hàng Việt Nam, khi cả tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng. Điều này được củng cố bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch dưới sự quản lý tốt của Chính phủ'', báo cáo của Brand Finance cho biết.
Theo Brand Finance, giá trị 500 thương hiệu ngân hàng hàng đầu thế giới đã lật ngược tình thế sau hai năm sụt giảm liên tiếp nhờ mức tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Với con số này, giá trị của Top500 ngân hàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,38 nghìn tỷ USD, cao hơn 9% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Trước đó, giá trị thương hiệu của các ngân hàng lớn nhất thế giới đã giảm 2% vào đầu năm 2020 (1,33 nghìn tỷ USD) và 4% nữa vào năm 2021 (1,27 nghìn tỷ USD). Đây là hệ quả gây ra bởi sự bất ổn kinh tế và biến động lãi suất, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch khiến lợi nhuận các ngân hàng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khi các quốc gia dần thích ứng với COVID-19 và nền kinh tế phục hồi, các khoản dự phòng rủi ro cho vay ít đáng kể hơn nhiều so với dự báo ban đầu của các chuyên gia trong ngành. Hơn nữa, quá trình số hóa hoạt động cùng với sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ và sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới đã dẫn đến lợi nhuận toàn ngành cao hơn dự kiến vào năm 2021.
Trong bảng xếp hạng của Brand Finance, các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu, chiếm một phần ba tổng giá trị thương hiệu với 454,4 tỷ USD.
Trong đó, giá trị thương hiệu của ICBC đã tăng 3% lên 75,1 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục là thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới và là thương hiệu có giá trị thứ 8 trên toàn cầu trong danh sách Brand Finance Global 500 năm 2022.
Các ngân hàng Mỹ chiếm gần một phần tư tổng giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng Top500 với 313,7 tỷ USD.