Nhiều sở ngành không báo cáo
Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo về tiến độ giải quyết những vướng mắc về pháp lý của 116 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn. Theo đó, hiện nay các sở, ngành liên quan báo cáo vướng mắc của các dự án đến trách nhiệm của sở ngành mình còn rất chậm.
Theo đó, từ tháng 5/2022 đến nay, UBND TPHCM cũng đã có nhiều văn bản giao các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét, kịp thời làm việc và hướng dẫn chủ đầu tư các dự án thực hiện theo quy định.
Sở Tài nguyên Môi trường là đơn vị có số lượng dự án cần giải quyết nhiều nhất, với 71/116dự án. Tiếp đó là Sở Kế hoạch Đầu tư (28 dự án), Sở Quy hoạch Kiến trúc (22 dự án), Sở Xây dựng (18 dự án), Cục thuế TPHCM (18 dự án), Sở Giao thông Vận tải (2 dự án), Sở Tài chính (1 dự án)…
Nhiều dự án ở TPHCM đang bị đứng hình vì nhiều lý do.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, Sở Xây dựng được UBND Thành phố giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục thuế TPHCM, Thanh tra TPHCM… tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án nhà ở trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ có Cục thuế TPHCM báo cáo tiến độ giải quyết. Một số đơn vị có số lượng hồ sơ tồn đọng lớn vẫn chưa có báo cáo.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực tế các vướng mắc đều phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện. Phổ biến là những vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hầu hết thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên Môi trường. Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện.
Với những nội dung cần tổng hợp ý kiến thì các sở, ngành đều gửi ý kiến chậm hơn thời gian yêu cầu của UBND TPHCM. Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hoặc Sở Tư pháp khi rà soát để báo cáo thì không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến của Sở Tài nguyên Môi trường và Ban Chỉ đạo 167 (Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất công).
Đồng thời, khi Văn phòng UBND TPHCM nhận được ý kiến của các sở, ngành (sau khi Sở Xây dựng đã trình) lại tiếp tục chuyển về Sở Xây dựng để tổng hợp. Việc này làm kéo dài thời gian giải quyết.
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TPHCM.
116 dự án vẫn “trùm mền”
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) có 4 lần gửi văn bản tổng hợp 68 doanh nghiệp và 2 đại diện cá nhân với hàng loạt vướng mắc của 116 dự án bất động sản, nhà ở thương mại đến UBND TPHCM. Đồng thời kiến nghị UBND TPHCM xem xét tháo gỡ vướng mắc từ các dự án và nhà ở này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đơn vị này đã có 4 văn bản gửi UBND TPHCM và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội.
Ngay sau đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Thanh tra TPHCM, Sở Tư pháp, Cục Thuế TPHCM và các đơn vị liên quan, khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND TPHCM để xem xét, quyết định. Ngày 21/5, ông Phan Văn Mãi cũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để xem xét, xác định hướng xử lý 64 dự án theo báo cáo của HoREA. Tuy nhiên đến nay mọi thứ vẫn chưa có sự thay đổi, vẫn giậm chân tại chỗ.
Dù Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có sự thay đổi, vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Lê Hoàng Châu khẳng định, HoREA cũng đã nhiều lần báo cáo các vướng mắc và kiến nghị UBND TPHCM tháo gỡ các dự án bất động sản trên địa bàn. Chẳng hạn, có những dự án cả 10 năm chỉ vì vướng thủ tục hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại, hay vướng cơ chế hoán đổi… đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Một số dự án được chính quyền chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao tầng, đã xây dựng xong móng và hầm nhưng sau đó các dự án này được chuyển nhượng sang cho đối tác và đã được TPHCM chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và sổ đỏ đất ở. Song vẫn không thể triển khai vì vướng quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch.
Thị trường bất động sản ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn hiện nay thì nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính, còn thị trường sẽ sụt giảm quy mô về tăng sản phẩm, khó khăn cho người muốn sở hữu nhà ở thực khi lựa chọn.
Ông Châu cho biết thêm, các vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được TPHCM gỡ vướng, xử lý dứt điểm. Một phần do luật chồng luật, nhất là các quy định tréo ngoe về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM bế tắc, điều này khiến không ít doanh nghiệp mang tiếng bội tín với khách hàng. Ngoài ra, sở, ngành có liên quan và địa phương có tư tưởng “sợ ký, sợ trình” dẫn đến hồ sơ dự án kéo dài hoặc bị “đá qua đá lại” giữa các sở, ngành, không bên nào chịu giải quyết dứt điểm.