USA Today đưa tin, các bang gồm Missouri, Arkansas, Arizona, Indiana, Kansas, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Utah cáo buộc Tổng thống Biden không đủ thẩm quyền để áp đặt các quy định mới liên quan đến khí nhà kính.
Vụ kiện ở cấp liên bang, do Tổng chưởng lý Eric Schmitt của bang Missouri dẫn đầu, đưa ra luận điểm rằng ông Joe Biden vi phạm điều khoản phân tách quyền lực trong Hiến pháp Mỹ, bởi vì Quốc hội - chứ không phải Tổng thống - mới có quyền đưa ra những điều chỉnh liên quan.
Trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng sau khi nhậm chức hôm 20/1, ông Biden đã ký Sắc lệnh hành pháp 13990 chỉ đạo các cơ quan liên bang tính toán "chi phí xã hội" do ô nhiễm khí nhà kính bằng cách ước tính "thiệt hại tiền tệ", nhằm thông báo những quy định liên bang trong tương lai. Điều này bao gồm những thay đổi trong năng suất nông nghiệp ròng, sức khỏe con người, thiệt hại tài sản do nguy cơ lũ lụt gia tăng và giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái.
Tuy nhiên, 12 bang nguyên đơn cho rằng việc ấn định những giá trị kể trên là một "hành động lập pháp thuộc thẩm quyền riêng của Quốc hội". Các bang cũng cảnh báo hậu quả kinh tế do sắc lệnh gây ra sẽ là thảm họa.
"Nếu Sắc lệnh hành pháp [13990] duy trì, nó sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ hoặc hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong nhiều thập niên tới," đơn kiện của các bang nêu. "[Sắc lệnh] sẽ phá hủy việc làm, kìm hãm sản xuất năng lượng, bóp nghẹt sự độc lập năng lượng của nước Mỹ, chèn ép nông nghiệp, cản trở đổi mới và làm các gia đình lao động nghèo đi."
Tổng chưởng lý các bang Arkansas, Arizona, Indiana, Kansas, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Utah tham gia vụ kiện.
Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Đơn kiện kể trên yêu cầu tòa án ban hành lệnh cấm các cơ quan liên bang sử dụng con số ước tính "chi phí xã hội" để ban hành các quy định, cũng như yêu cầu tòa tuyên bố các chỉ số này là trái với pháp luật.
Trong Sắc lệnh 13990, Tổng thống Joe Biden cũng thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL và chỉ đạo Bộ Nội vụ Mỹ đánh giá lại quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump về việc thu hẹp địa giới các di tích quốc gia. Đây là một trong số những hành động sớm của ông Biden khi vừa nắm quyền nhằm thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu.
Những sắc lệnh mà ông Biden ký ngày 27/1 tiếp tục nâng cấp vấn đề biến đổi khí hậu thành lo ngại an ninh quốc gia, cam kết thực hiện mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% toàn bộ nguồn đất và nước của liên bang vào năm 2030 - so với mức 12% trước đó, và xây dựng nghị trình chính sách kinh tế để chỉ đạo các cơ quan liên bang "mua điện không ô nhiễm carbon và sạch, phương tiện không phát thải để tạo ra công ăn việc làm được trả lương cao, hợp tác và kích thích các ngành năng lượng sạch.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden tuyên bố sẽ trở thành tổng thống hành động quyết liệt về biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu "phi carbon hóa" trong ngành năng lượng vào năm 2035, hướng đến phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Các bang theo đảng Cộng hòa từng kiện chính quyền Barack Obama về việc thực thi Kế hoạch Năng lượng Sạch - nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon từ các dự án nhiệt điện than. Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ bên nguyên và chương trình của ông Obama không được tiến hành.
Trong khi đó, các "bang xanh" ủng hộ đảng Dân chủ kiện chính quyền Trump vào năm 2019 để ngăn chặn kế hoạch làm suy yếu nỗ lực của ông Obama trong việc áp đặt những giới hạn quốc gia về phát thải carbon từ các nhà máy điện.