Trong đó Đề án tái cơ cấu Vinachem, có phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 4 công ty phân đạm đang thua lỗ hàn nghìn tỉ là Cty CP Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Cty CP DAP-Vinachem; Cty CP DAP số 2-Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Báo cáo của Vinachem cho biết, hết năm 2017, Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch đề ra. 4 dự án thua lỗ, đắp chiếu hàng nghìn tỉ hiện đã bắt đầu duy trì sản xuất. Với mục tiêu vực dậy các dự án này một cách tích cực nhất để công tác thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất nên các giải pháp cắt giảm chi phí được thực hiện khắt khe. Tiêu biểu như Cty CP DAP-Vinachem đã sản xuất, kinh doanh có lãi 5,2 tỉ đồng. 3 dự án còn lại cũng có những chuyển biến tích cực mặc dù vẫn còn những vướng mắc.
Đối với 8 dự án còn lại, một số dự án cũng có những tiến bộ, đặc biệt là nhóm dự án sản xuất nhiên liệu sinh học có cơ hội hồi sinh với chính sách thay thế xăng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 RON 92. Thị trường đầu ra đã có, vấn đề còn lại là các dự án này hoạt động thế nào cho hiệu quả mà thôi. Ngoại trừ dự án nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, các dự án như Ethanol Dung Quất dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động và quý II năm 2018; dự án Ethanol Bình Phước cũng đã có phương án sản xuất trở lại sau 5 năm “đắp chiếu”.
Trong khi đó, 5 dự án thua lỗ còn lại là dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVtex), Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS); dự án Bột giấy Phương Nam; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO); dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM), đến nay tình hình cũng chưa mấy khả quan.
PVtex dù nhận được sự hỗ trợ rất nhiều song công tác khởi động lại để đi vào sản xuất vẫn chưa thể như mong đợi bởi nhiều lý do. DQS vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy nợ từ thời kỳ thuộc Vinashin. Hiện tại chi phí đầu tư tài sản cố định của đơn vị này rất lớn nhưng lại không có đơn hàng thường xuyên để khai thác dẫn tới những khó khăn về tài chính càng nhân lên.
Đối với Bột giấy Phương Nam, công tác định giá đã thực hiện xong và đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho. Mặc dù vậy, qua 2 lần đấu giá, việc bán nhà máy này vẫn không thành công. Hai dự án thép cũng trong tình trạng vướng mắc nhiều về các thủ tục pháp lý, chưa thể giải quyết dứt điểm.
Như vậy là ngoài 4 dự án phân đạm đang có cơ hội, 8 dự án thua lỗ còn lại của ngành Công Thương vẫn trong tình trạng bế tắc.