Cây lâm vồ 'đệ nhất trời Nam' ở Bình Dương được chủ phát giá 60 tỷ đồng, có người trả giá 40 tỷ đồng mua cây cảnh độc lạ này. Còn cây bưởi dáng độc ở Hưng Yên được khách "đổi 2 cây vàng" nhưng chủ vẫn không bán.
Cây lâm vồ 'đệ nhất trời Nam' mua ở chân núi phát giá 60 tỷ
Mới đây, một kênh Youtube chia sẻ video về một chậu cảnh độc lạ của gia đình anh chị Phương - Lan ở Bình Dương. Doanh Nghiệp và Tiếp Thị phản ánh, không chỉ bề thế, dáng đẹp mà mức giá của chậu cảnh với tên gọi "đệ nhất trời Nam" cũng gây chú ý.
Chủ nhân của chậu cảnh cho hay, cây lâm vồ này cao khoảng 3,3m, dáng tự nhiên. "Phải thực sự tâm huyết mới làm được dáng bonsai cho cây cỡ lớn thế này. Nếu nói về kích thước của cây lên chậu lớn nhất Việt Nam thì cây này là số 1", anh Phương tâm sự.
Cây được lấy về từ vùng chân núi Sam (Châu Đốc, An Giang), được trồng tại vườn của anh Phương đã 12 năm. Tuổi thọ của cây này có thể hơn 200 năm. Anh Phương đã bán chiếc Camry để có tiền mua cây lâm vồ này. Hiện anh phát giá cho cây là 60 tỷ đồng, có người đã trả giá 40 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.
Chậu cây lâm vồ tên gọi "đệ nhất trời Nam" được định giá 60 tỷ đồng. (Ảnh: DN&TT) |
Cây bưởi dáng độc, khách đổi 2 cây vàng chủ vẫn lắc đầu
Vườn nhà anh Hoàng Đình Chính (Hưng Yên) có hàng trăm cây bưởi cảnh các loại, từ bưởi mini cho tới "hàng khủng" cao vài mét. Cây bưởi anh ưng ý, kì công chăm sóc nhất vườn có dáng "mẹ già che chở đàn con". Lý giải về cái tên của cây bưởi này, anh Chính cho biết: "Thân cây có dáng cong, các cành cũng cong cong, nhiều quả, khiến liên tưởng tới hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm, còng lưng nuôi con. Cây đã được chăm sóc 5 năm và năm nay tôi chính thức mở bán".
Cây bưởi này đã hơn 20 năm tuổi. Anh Chính ghép khoảng 80 trái bưởi to, đẹp, kích cỡ đồng đều, được chọn lọc kĩ lên cây. Có khách đã trả giá 2 cây vàng để mua cây bưởi này nhưng anh chưa bán.
'Phù phép’ cây dại thành hàng độc chơi Tết
Khu vườn của gia đình anh Trần Văn Ngà (TP. Hà Tĩnh) bất ngờ nổi tiếng vì sự độc lạ và khung cảnh giống như “vườn cổ tích” bởi hàng trăm gốc cây ngũ sắc thi nhau đua nở. Đầu năm 2020, anh Ngà quyết định “bỏ phố” về quê trồng loại cây chưa ai dám trồng: cây ngũ sắc. Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng anh gặp phải sự can ngăn của nhiều người bởi lo ngại hoa ngũ sắc chỉ là một cây dại, không có giá trị kinh tế.
Song nhờ sự khéo tay và dày công nghiên cứu cách ghép hoa, anh Ngà đã tạo nên những cây ngũ sắc độc đáo với những màu sắc khác nhau. Trung bình mỗi chậu hoa ngũ sắc có giá từ 500.000-1,5 triệu đồng. Dự kiến Tết năm nay, anh cho ra thị trường 300 chậu, thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Chàng trai Nghệ An biến gốc tre bỏ đi thành hàng mỹ nghệ độc đáo
Trăn trở khi thấy người dân trồng tre, trúc vất vả cực khổ mà sao cứ nghèo mãi trên nguồn tài nguyên vô giá, anh Thái Đăng Tiến (SN 1986, trú huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) nảy ra ý tưởng chế tác các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ tre để tạo ra giá trị mới cho cây tre.
Gốc tre được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo |
Anh Tiến cho biết trên Báo Tiền Phong, thường sau khi khai thác tre, người ta sẽ vứt gốc đi. Nhận thấy thứ bỏ đi ấy sẽ "đẻ ra tiền" nếu được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, anh Tiến thuê máy múc lên rừng đào rễ tre tìm nguyên liệu. Không chỉ biến cây tre thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, anh còn cưu mang một số nhân công tàn tật, truyền nghề với hi vọng họ có thể tự lập trên chính quê hương của mình.
Gà nghe nhạc, ăn thảo dược, đẻ trứng 'vàng'
Tại trang trại của anh Phan Trung Kiên (ở Chương Mỹ, TP.Hà Nội), gà thường được nghe nhạc không lời. Anh Kiên chia sẻ, gà nghe nhạc ăn nhiều hơn, tăng trưởng để sinh đẻ.
Ngoài việc cho gà nghe nhạc, anh Kiên không sử dụng kháng sinh, không thức ăn công nghiệp trong trang trại của mình. Các loại thảo dược như tỏi, vàng đắng, cà gai leo được anh phối trộn cùng với thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi. Hiện trang trại của anh có khoảng 13.000 con gà đẻ trứng, cho 8.000 trứng mỗi ngày. Trong số này, 6000 quả trứng được bán với giá 8.400 đồng/quả, đắt hơn 3 lần trứng gà công nghiệp bình thường.
Bộ sưu tập 300 chiếc điện thoại cổ 'độc nhất vô nhị' ở Sài Gòn
Giờ đây, việc dùng những chiếc điện thoại "đập đá", bấm phím đã không còn thịnh hành. Nhưng theo Báo Dân Trí, anh Lưu Triệu Tuấn Khanh (38 tuổi, TP.HCM) lại đi ngược thời đại, tìm về quá khứ qua những chiếc điện thoại cổ.
Trong căn phòng của mình, anh dành một góc trưng bày nhiều mẫu điện thoại sản xuất từ những năm 1995 của Nokia, Motorola, Siemens... cũng như những thiết bị sang trọng từ Vertu, Mobiado. Sau hơn hai thập kỷ sưu tầm, anh Khanh sở hữu gần 300 chiếc điện thoại cổ "có một không hai".
Độc đáo bộ sưu tập hơn 200 món ăn Việt được tạo hình từ đất sét
Với kinh nghiệm hơn 10 năm nhào nặn đất sét, trong hơn một năm qua, anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TP.HCM) đã tự tay hoàn thiện cho riêng mình bộ sưu tập hơn 200 món ăn Việt tinh xảo giống như thật. Anh Đạt tạo ra bộ sưu tập này với mong muốn tạo nên một làn gió mới cho ngành nghệ thuật tạo hình về đất sét, đất nặn Việt Nam - một bộ môn tạo hình nghệ thuật vẫn còn mới lạ và ít người biết tới.
Bộ sưu tập hơn 200 món ăn được tạo thành từ đất sét độc đáo. |
Bộ sưu tập món ăn hay cảnh vật ở miền Tây của anh đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực, anh tiếp tục cho ra đời 2 bộ sưu tập mới là mâm cúng 3 miền Bắc, Trung, Nam và 30 món ăn đặc sản các vùng miền.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)