Nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia CNTT đều có chung nhận định sức hút của các ngành CNTT, An toàn thông tin trong vài năm gần đây rất lớn. Các nguyên nhân đưa đến nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao trong thời gian qua được lý giải là do nhu cầu chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu; sự dịch chuyển nhu cầu outsourcing phần mềm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc; cũng như sự chuyển hướng sang mảng công nghệ của một số doanh nghiệp lớn trong nước.
Trong trao đổi với ICTnews về sức nóng của thị trường nhân lực CNTT, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện CNTT-TT trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh quá trình Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, khi mà hầu hết các quy trình của mọi lĩnh vực đều được chuyển đổi để tích hợp tự động hóa với thông minh hóa thì nhu cầu về nghề nghiệp CNTT sẽ còn nóng trong nhiều năm tới.
“Nếu như trước đây việc số hóa tổ chức chỉ là một lựa chọn, thì bây giờ đã là nhu cầu không thể thiếu, và việc tối ưu nó, thông minh hóa nó sẽ cần một lượng lớn kỹ sư về CNTT giỏi chuyên môn và nghiệp vụ tổ chức để góp phần chuyển đổi số thành công các tổ chức trong cả xã hội”, ông Tạ Hải Tùng phân tích.
Người đứng đầu Viện CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lưu ý, quá trình Chuyển đổi số về thực chất không tạo ra sự khủng hoảng biến mất của các nghề nghiệp, mà tạo ra sự biến đổi nghề nghiệp, các ngành nghề đơn giản sẽ dần biến mất để tạo ra nhu cầu với các ngành nghề tinh vi hơn và chắc chắn với các yêu cầu về kỹ năng số (Digital Skills) cao hơn. Thực tế này còn tạo thêm sức ép to lớn hơn nữa đối với đào tạo nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho chuyển đổi số của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia CNTT đều có chung nhận định sức hút của các ngành CNTT, An toàn thông tin trong vài năm gần đây rất lớn (Trong ảnh: các thí sinh tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh đại học 2019 tại Đại học Bách khoa Hà Nội) |
Chia sẻ về sự đón nhận của thị trường lao động đối với nhân sự ngành CNTT trong khoảng 3 năm trở lại đây, ông Tạ Hải Tùng cho hay, theo điều tra của các trang tuyển dụng hàng đầu Việt Nam như VietnamWorks, TopDev thì hàng năm nhu cầu nhân lực tăng 47%, trong khi nguồn cung nhân lực ICT chỉ tăng có 8%/năm, điều này dẫn đến một thực tế là vào năm 2020 chúng ta sẽ thiếu khoảng 500.000 nhân lực cho ngành này. Số lượng đã thiếu, nhưng chất lượng đào tạo ở nhiều cơ sở còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, 4 năm qua, số lượng doanh nghiệp phần mềm tăng tới 124%. Vì vậy, nguồn kỹ sư CNTT từ các cơ sở đào tạo uy tín đang được nhiều nhà tuyển dụng đón nhận.
Cũng theo vị Viện trưởng Viện CNTT-TT Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ các nhà tuyển dụng Việt Nam, các nhà tuyển dụng nước ngoài , đặc biệt các công ty đến từ Nhật Bản cũng rất tích cực cạnh tranh để có được nguồn cung kỹ sư chất lượng cao này.
Cụ thể như, tại Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có chương trình đào tạo kỹ sư CNTT Việt - Nhật (HEDSPI) và theo thống kê của Viện có hơn 60% kỹ sư tốt nghiệp hệ đào tạo này sang Nhật làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, với mức lương bình quân 3.000USD/tháng, và gần đây đã có công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã tuyển 12 em của chương trình với mức lương 6.000 USD/tháng. Điều này chứng tỏ, kỹ sư CNTT nói chung đã rất hot, nhưng kỹ sư được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp, đang có nhu cầu phát triển lớn như: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin… được dự đoán sẽ có triển vọng nghề nghiệp rất tốt trong thời gian tới đây.
"Thêm vào đó, gần đây phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước đang diễn ra mạnh mẽ cũng tạo ra một nguồn cầu lớn đối với kỹ sư CNTT chất lượng cao, được đào tạo và tham gia nghiên cứu chuyên sâu khi còn trên ghế nhà trường. Các công ty khởi nghiệp, đặc biệt các công ty có nguồn gốc "Silicon valley" luôn khát nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo, và Đại học Bách khoa Hà Nội là điểm đến họ thường lựa chọn trong mỗi mùa tuyển dụng", ông Tạ Hải Tùng chia sẻ.
Có cùng quan điểm với đại diện Viện CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Trưởng khoa CNTT 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự báo, sức hút của các ngành này vẫn ở mức cao không chỉ năm nay mà sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Các yếu tố như: số việc làm về CNTT trên các trang tuyển dụng; chỉ tiêu tuyển sinh CNTT của các trường, kể cả các trường vốn không chuyên về ICT; điểm chuẩn ngành CNTT so với các ngành khác cũng như số sinh viên CNTT ra trường có việc làm ngay sẽ vẫn tăng ít nhất là trong 3-5 năm tới. "Sinh viên CNTT ra trường vẫn thiếu hụt so với nhu cầu sẽ là động lực để thí sinh dành ưu tiên cho nhóm ngành này", ông Từ Minh Phương nhấn mạnh.
Đại diện khoa CNTT 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho hay, Học viện luôn nằm trong nhóm các trường được thị trường lao động đón nhận nhất, đặc biệt ở nhóm ngành ICT. Xu hướng này đã có từ nhiều năm nay và tiếp tục trong những năm gần đây. Thực tế nhiều sinh viên của Học viện từ năm thứ 3 thứ 4 đã có việc làm trong các công ty chuyên về CNTT. Nhu cầu lớn nhất vẫn là kỹ sư phần mềm, tuy nhiên gần đây xuất hiện thêm nhu cầu trong những chuyên ngành tương đối mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.