Hầu hết các dự án này đang được chủ đầu tư triển khai dở dang phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh kiểm tra, điều tra nên thủ tục đang nằm rải rác ở nhiều sở ngành. Ngoài ra, hiện nay còn hơn 30 dự án khác chưa thể cho triển khai tiếp vì vướng công tác thanh, kiểm tra; điều tra. Khi có kết luận của cơ quan chức năng, TPHCM sẽ tiếp tục xử lý.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra nói trên.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho biết 3 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản.
Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).
Theo ông Châu, nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.
"Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản", ông Châu cho biết.
Cũng theo HoREA quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh. Điều này bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
"Nguồn thu ngân sách thành phố đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%; hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm mạnh do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới", HoREA cho hay.
HoREA xin UBND thành phố phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 loại để có phương án xử lý phù hợp.
Nhóm 1 bao gồm các dự án về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện.
Nhóm 2 bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước ở mức độ không lớn thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với nhà nước, không để thất thoát tài sản công.
Nhóm 3 bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật.
Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép các chủ đầu tư hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra được tiếp tục giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính đối với các nội dung: chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh ranh hoặc mục tiêu dự án theo quy định của pháp luật; cấp giấy phép xây dựng của dự án; cấp "sổ đỏ" cho dự án; ký hợp đồng thuê đất…
Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết hợp đồng mua nhà tại các dự án này và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, là bên vô can, ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án và cần được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm đến nay số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%; các dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm mạnh… "Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn nữa", ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, khuyến cáo.