Google, Tesla hay McDonald's là những "gã khổng lồ" với vốn hóa hàng trăm tỷ USD của Mỹ, nhưng ít ai biết rằng người sáng lập của các công ty này là dân nhập cư.
Dưới đây là 13 công ty lớn của Mỹ do người nhập cư thành lập được trang MSN tổng hợp.
Yahoo
Vào thời bình minh của kỷ nguyên Internet, không có nhiều công ty tạo được tiếng vang hơn Yahoo - công ty từng trị giá 130 tỷ USD lúc hoàng kim. Người sáng lập của Yahoo là Jerry Yang, nhập cư từ Đài Loan vào Mỹ vào năm 1978 - khi đó thậm chí không biết những khuôn mặt xuất hiện trên tờ tiền USD và chỉ hiểu đúng từ "shoe" (giầy). Ông đã học và sử dụng tiếng Anh thành thạo chỉ sau 3 năm và lấy cả bằng cử nhân lẫn thạc sĩ ngành kỹ thuật điện của trường Đại học Stanford trong vòng 4 năm.
Yang thôi vị trí giám đốc điều hành của Yahoo vào năm 2009 sau khi từ chối đề nghị thâu tóm của Microsoft. Ông rời hội đồng quản trị công ty này vào năm 2012. Từ đó đến nay, ông đã đầu tư vào hơn 50 startup liên quan tới dữ liệu thông qua công ty đầu tư AME Cloud Ventures. Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của công ty phần mềm Workday. Hiện Yang sở hữu tài sản 2,8 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.
Tesla
Trị giá 51,1 tỷ USD, Tesla là một trong những công ty tiên phong đưa ôtô điện ra thị trường. Tesla, hiện có 27.000 nhân viên, được thành lập vào năm 2003 bởi Elon Musk và một số cộng sự. Sinh ra và lớn lên tại Nam Phi, Musk nhập cư vào Canada trước khi tới Mỹ dưới diện sinh viên trao đổi. Ông từng đồng sáng lập công cụ thanh toán trực tuyến PayPal. Hiện Musk sở hữu tài sản 20,8 tỷ USD.
SpaceX
Elon Musk không chỉ thay đổi cách con người đi lại trên trái đất mà còn có tham vọng bên ngoài vũ trụ. Ông thành lập công ty SpaceX, chuyên chế tạo tên lửa tái chế với nhiệm vụ mang vệ tinh và kính viễn vọng ra vũ trụ. Tuy nhiên, mục đích chính là phát triển du lịch vũ trụ trong tương lai không xa.
Pfizer
Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer - nhà phân phối vácxin và các loại thuốc trên toàn cầu, là một trong 15 công ty lớn nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, người thành lập đế chế này không sinh ra tại Mỹ. Hai anh em họ Charles Pfizer và Charles Erhart, sinh ra tại Đức, đã bắt đầu xây dựng công ty này với khoản vay 2.500 USD từ cha của Pfizer. Hiện công ty này trị giá 207,7 tỷ USD.
eBay
Sinh ra tại Pháp trong một gia đình người Iran, Pierre Omidyar đến Mỹ từ năm 6 tuổi. Những gì ông mang đến cho đất nước này là một trong những cái tên quan trọng nhất trong lịch sử thương mại điện tử - eBay. Được thành lập vào năm 1995, trang web bán hàng và đấu giá trực tuyến này hiện trị giá 38 tỷ USD. Omidyar hiện vẫn có mặt trong hội đồng quản trị công ty và sở hữu tài sản 11,1 tỷ USD.
Không có nhiều công ty xuất hiện trong mọi ngóc ngách đời sống của mọi người thường xuyên như Google. Đây là thương hiệu giá trị thứ 2 thế giới, sau Apple. Google được đồng sáng lập bởi Larry Page và Sergey Brin - người nhập cư vào Mỹ từ Nga năm 6 tuổi. Brin hiện có tài sản 51,5 tỷ USD và là một trong những người nhập cư giàu nhất tại Mỹ.
Kohl's
Sinh năm 1901 tại Hà Lan, Max Kohl nhập cư vào Mỹ và làm việc cho một nhà máy. Sau đó, ông dùng khoản tiết kiệm ít ỏi để mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ. Tới năm 1962, ông mở cửa hàng tạp hóa đầu tiên, dần dần phát triển thành chuỗi cửa hàng Kohl's trị giá 10,1 tỷ USD và có 137.000 nhân viên.
Intel
Intel là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới. Người đứng sau công ty khổng lồ này từ những ngày đầu là chủ tịch, giám đốc điều hành Andrew S. Grove - sinh ra tại Hungary vào năm 1936 sau đó nhập cư vào Mỹ. Intel hiện có giá trị 254,8 tỷ USD.
The Walt Disney Co.
Hiếm có thương hiệu nào gắn liền với văn hóa Mỹ như Disney. Công ty này được thành lập bởi Walt Disney - sinh ra tại Canada. Disney là một trong những thương hiệu quan trọng và lâu đời nhất trong lịch sử giải trí Mỹ và hiện trị giá 152,1 tỷ USD.
Qualcomm
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn khổng lồ Qualcomm ra đời từ buổi họp với 7 nhân vật xuất chúng. Một trong số họ là tiến sĩ Andrew Viterb - con trai của một gia đình nhập cư từ Italy tại Mỹ. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhận danh hiệu tiến sĩ của Đại học Southern California. Qualcomm hiện trị giá 81.9 tỷ USD.
Goldman Sachs
Năm 1848, Marcus Goldman, một giáo viên tại bang Bavaria, Đức, nhập cư vào Mỹ và trở thành nhân viên bán hàng. Sau đó, ông bắt đầu tìm cách kết nối những doanh nghiệp đang cần vốn với các ngân hàng, nhân viên tài chính để cung cấp khoản vay và nhận hoa hồng. Công việc tay trái của Goldman cuối cùng phát triển thành Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư toàn cầu có vốn hóa 91,8 tỷ USD hiện nay.
News Corp.
Năm 1985, ông trùm ngành xuất bản người Rupert Murdoch trở thành công dân Mỹ và từ bỏ quốc tịch gốc Australia. Động thái này giúp ông có cơ hội mua phần lớn cổ phần của nhiều hãng truyền hình, trong đó có Fox Film Corp. Ông thành lập News Corp - công ty mẹ của Fox News vào năm 1996 và hiện công ty này trị giá 8,8 tỷ USD.
McDonald's
Ray Kroc đã ngoài 50 tuổi khi ông mở cửa hàng nhượng quyền McDonald's đầu tiên tại Mỹ. Là con trai của một gia đình nhập cư từ Séc, Kroc nhận ra tiềm năng vô tận của cửa hàng burger nhỏ với logo vòng cung màu vàng. Giấc mơ của ông đã trở thành McDonald's - chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới trị giá 129,9 tỷ USD.