Theo đó, tính đến giữa tháng 5, 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN (hợp đồng PPA) với tổng công suất xấp xỉ 7.406 MW.
Trong đó, 12 dự án đã vận hành thương mại, công suất gần 582 MW. Từ nay đến trước 1/11 sẽ có thêm 105 dự án vận hành với tổng công suất gần 5.672 MW. Song, còn 13 dự án sẽ không kịp vận hành thương mại trước 1/11 năm nay, tổng công suất trên 1.152 MW.
Đặc biệt, trong số này, Bạc Liêu có một dự án là Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, công suất 140,6 MW. Cà Mau có 4 dự án, gồm các dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B, 1C, 1D và Nhà máy điện gió Tân Ân 1 (giai đoạn 2021-2025), tổng công suất 307MW. Quảng Trị có 3 dự án, tổng công suất 134 MW, là dự án Nhà máy điện gió Lig Hướng Hoá 1 và 2, Nhà máy điện gió Tân Hợp.
2 nhà máy điện gió tại Bến Tre cũng không kịp vận hành năm 2021, gồm Nhà máy điện gió Nexif Energy Bến Tre và Nhà máy điện gió Nexif Energy Bến Tre giai đoạn 2 và 3, tổng công suất 80 MW. Với Sóc Trăng, Trà Vinh mỗi tỉnh một dự án là Nhà máy điện gió số 7- giai đoạn 2 88,2 MW và Nhà máy điện gió Duyên Hải 48 MW.
Việc không kịp vận hành trước 1/11, thời điểm hết hiệu lực giá cố định (FIT) ưu đãi cho điện gió, đồng nghĩa rằng số dự án này sẽ không được hưởng giá FIT trong 20 năm. Thay vào đó, số dự án vào sau ngày 1/11 có thể sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Hiện Bộ Công thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
EVN thông tin, trong tổng công suất quy hoạch khoảng 12.000 MW, còn 4.600 MW chưa đàm phán ký PPA. Thời gian từ nay tới 1/11 không còn nhiều song vẫn còn các chủ đầu tư tiếp tục đề nghị ký PPA, trong đó có những dự án dự kiến vào vận hành sau ngày 31/10/2021.
Điều này có thể gây rủi ro về vấn đề quá tải, thừa nguồn, nhất là quá tải không thể xử lý được trong ngắn hạn. Chưa kể, những dự án dự kiến vào vận hành sau ngày 31/10 cơ sở pháp lý để ký PPA chưa rõ ràng, còn khoảng 4.600 MW chưa đàm phán ký PPA với EVN.
Nhằm tránh rủi ro, EVN kiến nghị chỉ đóng điện, nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) với các dự án vận hành sau ngày 1/11 nhưng công trình đấu nối chưa hoàn thành, nếu được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt phương án đấu nối tạm. Còn đối với dự án vào vận hành sau thời điểm 1/11 (hết hiệu lực giá FIT) thì tạm thời không thực hiện các thử nghiệm liên quan và không huy động cho đến khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.