Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (SN 1957, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin) bị tuyên án 13 năm tù. Bị cáo Trần Đức Chính (SN 1976, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin) bị tuyên án 17 năm tù.
Bị cáo Trương Văn Tuyến (SN 1950, cựu Tổng Giám đốc Vinashin) bị án 7 năm tù. Bị cáo Phạm Thanh Sơn (SN 1972, cựu Phó Tổng Giám đốc Vinashin) bị tuyên phạt 6 năm tù.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn áp dụng hình phạt bổ sung là cấm bị cáo Chính và bị cáo Sơn đảm nhiệm công tác quản lý trong vòng 3 năm kể từ khi thi hành xong bản án.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí để tái cơ cấu và sau đó tiếp nhận 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin.
Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Hà Văn Thắm, lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank cùng cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm nghe tuyên án.
Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyển, Phạm Thanh Sơn và Trần Đức Chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank sau đó chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.
Từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2014, bị cáo Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi do các cán bộ của OceanBank chi. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do bị cáo Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.
Trong đó, bị cáo Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, bị cáo Chính chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng, bị cáo Tuyến chiếm hưởng cá nhân 3,5 tỷ đồng và bị cáo Sơn chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là người có chức vụ, được đào tạo, hiểu biết quy định pháp luật nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân, các bị cáo đã quyết định gửi tiền có kỳ hạn khi chưa được cho phép nhằm chiếm đoạt tiền lãi ngoài.
Các bị cáo nhận số tiền đặc biệt lớn là 105 tỷ đồng và không báo cáo, không hạch toán, để ngoài sổ sách, chiếm hưởng cá nhân, chi tiêu không đúng quy định.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng cá nhân. Có 22,5 tỷ đồng đã sử dụng vào việc chi chung của Vinashin không thể thu hồi nên các bị cáo bị buộc liên đới bồi thường số tiền này.
Trong đó bị cáo Sự phải nộp 6,3 tỷ đồng, bị cáo Tuyến nộp 4,5 tỷ đồng, bị cáo Sơn 4,5 tỷ đồng và bị cáo Chính nộp 6,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại khoảng 60 tỷ đồng, HĐXX buộc bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Như vậy, bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 75 tỷ đồng. Các khoản tiền này được hoàn trả cho Oceanbank và được khấu trừ nghĩa vụ của bị án Hà Văn Thắm.
Trước khi HĐXX tuyên án các bị cáo được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự bày tỏ sự hối lỗi. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tập thể cán bộ Vinashin, xin lỗi gia đình, mẹ, vợ con.
Trong khi đó, Trương Văn Tuyến mong HĐXX công minh rõ ràng, xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình vì có nhiều cống hiến trong quá trình công tác, tuổi cao, bệnh tật…
Bị cáo Phạm Thanh Sơn xin lỗi gia đình. Bị cáo khẳng định tham gia tiền gửi để chia lãi ngoài. Bị cáo chưa bao giờ ký chi duyệt chi cho các phòng ban chi lãi ngoài. Theo phân công, bị cáo là Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực và đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Bị cáo mong HĐXX xem xét hành vi trong hoàn cảnh để bị cáo được hưởng mức án phù hợp.