Phó chủ nhiệm Trung tâm Khống chế dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết 14% số bệnh nhân xuất viện sau khi được điều trị COVID-19 có kết quả acid nucleic dương tính trở lại, tuy nhiên không lây sang người khác. Tỉnh này đã tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm của tất cả bệnh nhân xuất viện để giám sát và theo dõi thêm.
Trước đó, thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, công bố thông tin 13 bệnh nhân xuất viện sau điều trị xuất hiện kết quả xét nghiệm acid nucleic dương tính, nhưng 104 người tiếp xúc gần không có biểu hiện bị lây nhiễm.
Theo số liệu sơ bộ của tỉnh Quảng Đông, 14% số bệnh nhân xuất viện "dương tính trở lại" và sau khi tiến hành tập trung theo dõi, chưa phát hiện ca nhiễm bệnh F2 trên những người tiếp xúc gần.
Phó chủ nhiệm Trung tâm Khống chế dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, ông Tống Thiết, cho biết từ góc độ đặc tính vi sinh vật, người nhiễm virus sau khi khỏi bệnh sẽ sinh ra kháng thể, sẽ không có khả năng lây bệnh.
Thông qua quan sát trong phòng thí nghiệm, cơ thể người trẻ tuổi sẽ sản sinh ra kháng thể sau 2 tuần, kể cả xuất hiện trường hợp acid nucleic dương tính thì nguy cơ lây nhiễm cũng là rất nhỏ, các kháng thể này là kháng thể bảo vệ, nguy cơ lây lan khá thấp.
Ông cũng cho biết cơ thể một số bệnh nhân lớn tuổi cần nhiều thời gian hơn để sản sinh kháng thể, cũng có thể không ngừng phát thải virus, có thể trở thành nguồn lây nhiễm, các cơ quan phòng dịch phải nghiêm túc quản lý nguồn lây bệnh này.
Ông Tống cho biết hiện tại, các chuyên gia phán đoán rằng hiện tượng những người xuất viện "dương tính trở lại" là vì lý do bệnh tình và thể chất cá nhân, sẽ tăng cường theo dõi những trường hợp này để hiểu được thời gian cơ thể con người mang theo virus được bao lâu, có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và những người xung quanh.
Câu hỏi đặt ra là những bệnh nhân đã được xuất viện nay có kết quả xét nghiệm acid nucleic dương tính thì có phải là "tái nhiễm" virus SARS-CoV-2 hay không? Những người này có khả năng lây bệnh cho người khác hay không?
Ông Tống cho biết trong giới chuyên gia lẫn người dân đều quan tâm đến vấn đề này, và nhận thức về vấn đề này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có kết luận cuối cùng. Virus SARS-CoV-2 là chủng mới của virus corona, là loại bệnh mới, đang được nghiên cứu và cập nhật phác đồ điều trị thường xuyên. Vấn đề "dương tính trở lại" là câu hỏi khoa học quan trọng, trung tâm khống chế dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đang theo dõi sát sao vấn đề này.
Trong tài liệu quốc gia hướng dẫn thăm khám, điều trị COVID-19, có quy định rõ về hiện tượng "dương tính trở lại" và tiêu chuẩn xuất viện, trong đó yêu cầu bệnh nhân phải được tiếp tục theo dõi trong 14 ngày. Cơ quan phòng chống dịch bệnh sẽ giám sát chặt chẽ, nếu bệnh nhân ra viện được xét nghiệm có kháng thể, xét nghiệm acid nucleic âm tính thì có thể an toàn tiếp xúc với xã hội.
"Yêu cầu này đã được chứng thực rõ ràng, xin mọi người yên tâm, chúng tôi có đủ năng lực để bảo vệ cộng đồng", ông nói.
Ông Tống cho biết Quảng Đông đã trải qua giai đoạn 1 là "chống virus xâm nhập", đang bước vào giai đoạn 2 là từng bước khôi phục sản xuất, làm việc. Giai đoạn 1, việc khống chế lây lan F2 khá có hiệu quả, số liệu của toàn tỉnh cho thấy người nhiễm virus ngày một giảm nhưng tỉnh này cần nâng cao phòng dịch trong khu dân cư và các nhà máy, cơ quan khi trở lại hoạt động.
Trước đó, ngày 19/2, truyền thông tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cũng thông tin về trường hợp một bệnh nhân COVID-19 ở Thành Đô sau khi xuất viện 10 ngày xét nghiệm acid nucleic dương tính. Đến ngày 21/2, Ủy ban Y tế Sức khỏe tỉnh Tứ Xuyên xác nhận thông tin này là sự thực và giải đáp thắc mắc của báo chí và người dân.
Theo đó, tương tự như giải thích của tỉnh Quảng Đông, cơ quan Y tế Thành Đô cho biết căn cứ theo Hướng dẫn quốc gia về thăm khám, điều trị chủng mới của virus corona, bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xuất viện và sẽ được theo dõi tiếp trong 14 ngày. Đến ngày 19/2, khi có kết quả xét nghiệm acid nucleic dương tính, bệnh nhân tiếp tục được giám sát chặt chẽ để theo dõi tình hình.
Tham khảo Huanqiu, Ủy ban Y tế Sức khỏe tỉnh Quảng Đông