Xiaomi, được thành lập vào năm 2010, là công ty Trung Quốc nổi tiếng với các sản phẩm như nồi cơm điện, robot hút bụi, máy lọc không khí và điện thoại thông minh. Chỉ trong 3 năm, thương hiệu này đã làm được điều mà Apple, đối thủ lâu năm, không thể: Chế tạo xe điện và đưa chúng ra thị trường.
Kể từ đầu tháng 4, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này cho biết họ đã giao hơn 10.000 chiếc xe điện và nhận được gần 90.000 đơn đặt hàng. Có giá từ 30.000 đến 42.000 USD, chiếc SU7 có thể đi được quãng đường lên tới 500 dặm trên một lần sạc, rẻ hơn các phiên bản tương đương của Tesla Model 3 khoảng 4.000 USD và chạy nhanh hơn khoảng 200 dặm mỗi lần sạc.
Chiến công của Xiaomi làm sáng tỏ một thực tế mới trong ngành kinh doanh ô tô có tuổi đời hàng thế kỷ: Rào cản gia nhập dần được xóa bỏ, Trung Quốc băng băng tiến về phía trước nhờ tập trung vào phần mềm và các tính năng thông minh. Paul Gong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang đi trước hầu hết các đối thủ khác trong toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện ”.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí, Xiaomi áp dụng rất nhiều các phương pháp từ Tesla cũng như các nhà sản xuất ô tô khác, khai thác bí quyết phát triển sản phẩm riêng và thâm nhập chuỗi cung ứng ô tô đang phát triển. Nhiều năm mài giũa với máy tính xách tay, máy xay sinh tố và camera quay phim đã giúp hãng này nhanh nhạy hơn trong việc tạo ra những tính năng thu hút nhóm người tiêu dùng cụ thể. Chẳng hạn, màn hình điện thoại có thể được phản chiếu trên màn hình cảm ứng. Khi ô tô bật chế độ “go home”, đèn thông minh và điều hoà không khí tại nhà sẽ tự động bật khi xe đến một khoảng cách nhất định với tổ ấm.
Vào tháng 4, tại triển lãm ô tô thường niên lớn nhất Trung Quốc, giám đốc điều hành các thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới đã phải trầm trồ trước gian hàng của Xiaomi. Wang Chuanfu, giám đốc điều hành của BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc được Warren Buffett hậu thuẫn, chia sẻ với Giám đốc điều hành Xiaomi Lei Jun rằng bản thân ông đã nhầm khi nghi hoặc Xiaomi.
Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới, sau Apple và Samsung Electronics của Hàn Quốc, song việc chế tạo ô tô vẫn đòi hỏi một mức độ phức tạp hoàn toàn mới. Ông Lei đã chia sẻ như vậy khi trả lời phỏng vấn hồi tháng 4.
Được biết để hiện thực hóa dự án xe hơi, Xiaomi đã tuyển khoảng 6.000 nhân lực. Một số đến từ các hãng xe nước ngoài như Porsche, BMW. Model 3 của Tesla là chiếc xe Xiaomi lấy cảm hứng để phát triển.
Để đơn giản hóa việc phát triển và giảm chi phí, Xiaomi đã áp dụng quy trình “gigacasting” của Tesla, sử dụng phương pháp đúc nhôm áp suất cao, quy mô lớn để tạo khung xe. Quá trình này kết hợp hàng trăm bước sản xuất thành một, giúp tiết kiệm linh kiện, trọng lượng, chi phí và thời gian. Bản thân Xiaomi cũng phải nghĩ ra loại vật liệu mới của riêng mình, đồng thời xây dựng một chương trình trí tuệ nhân tạo mô phỏng cách các vật liệu khác nhau hoạt động khi được đặt bên trong máy đúc.
Theo WSJ, Xiaomi đã hợp tác với Tập đoàn ô tô Bắc Kinh để bắt đầu dự án. Mất nửa năm để thiết kế và thêm 15 tháng để xây dựng. Thời gian còn lại để giải quyết các phê duyệt, kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn.
Chia sẻ với CCTV, ông Lei cho biết Xiaomi chỉ bắt đầu nghiêm túc xem xét thâm nhập vào lĩnh vực ô tô sau khi chính phủ Mỹ đưa công ty vào danh sách đen. Ngày đó, các thành viên hội đồng quản trị đã cùng tập hợp lại để họp khẩn cấp, lo lắng rằng Xiaomi có thể sớm mất quyền tiếp cận các linh kiện Mỹ và không thể sản xuất điện thoại thông minh. Chính điều này đã thôi thúc Xiaomi tìm ra những cách kiếm tiền mới.
Vào tháng 3 năm 2021, Xiaomi tuyên bố ý định gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và cam kết đầu tư 10 tỷ USD trong thập kỷ tới. Động thái làm căng thẳng thêm cuộc chiến kéo dài trên thị trường xe điện của Trung Quốc, nơi có hơn 100 thương hiệu đang tranh giành thị phần. Theo Lei, để Xiaomi có lãi, hãng sẽ phải sản xuất 300.000 đến 400.000 chiếc SU7 mỗi năm.
Hiện Xiaomi cần nhanh chóng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Những khách hàng đặt xe vào cuối tháng 4 sẽ phải chờ 40 đến 50 tuần mới nhận được xe.
Theo các giám đốc điều hành, khi phần cứng xe điện dần trở nên đơn giản hơn, yếu tố quyết định thành công sẽ nằm ở phần mềm và tính năng. Để làm được điều đó, Xiaomi có thể dựa vào chuyên môn sản xuất các sản phẩm, thiết bị gia dụng. Tú Lê, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu ngành Sino Auto Insights, cho biết công ty rất rành phong cách sống của khách hàng và có thể khai thác thông tin đó để phát triển sản phẩm.
Theo CEO Lei Jun, SU7 được định vị là “chiếc xe mơ ước”, có thể cạnh tranh với các mẫu Tesla và Porsche. Ông cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào dự án xe điện trong khoảng 10 năm, mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong 15-20 năm tới.
“Xiaomi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô nhưng là bậc thầy về chuỗi cung ứng . Họ tham gia cuộc đua vào thời điểm mọi thứ đã phát triển tương đối ổn định”, một chuyên gia nhận định.
Khi Lei giới thiệu SU7 với Wang của BYD, ông cho biết ngay từ đầu Xiaomi đã dành nhiều thời gian cố gắng làm cho chiếc xe trở nên hấp dẫn đối với người mua là nữ giới. “Chúng tôi đã tìm ra ai là người quyết định”, ông Lei nói và giải thích rằng phụ nữ thường là người đưa ra quyết định mua hàng cuối cùng. “SU7 giống như một tiện ích khác trong thế giới Xiaomi”.
Xiaomi là một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc. Ngoài việc sản xuất điện thoại, hãng còn bán nhiều loại sản phẩm điện tử, từ nồi cơm điện đến máy hút bụi. Danh tiếng sẵn có được cho là có thể giúp Xiaomi bán ô tô, miễn là không có bất kỳ vấn đề gì khi tài xế lái xe trên đường.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cuộc phiêu lưu bằng xe điện có thể sẽ không mang lại lợi nhuận trong một thời gian, do cuộc chiến về giá chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Bản thân Xiaomi cũng sẽ cần tăng chi tiêu và đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Theo: WSJ