COVID-19 đã khiến các hoạt động vận tải hàng hóa của Việt Nam bị suy giảm. Khối lượng hàng hóa vận tải và luân chuyển hàng hóa theo các ngành vận tải tính chung 2 tháng 2020 đã chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vận tải hàng hóa đạt 297,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,7%) và luân chuyển 56,6 tỷ tấn/km, tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 6,4%).
Hoạt động vận tải suy giảm khi nhà máy Trung Quốc ngưng hoạt động
Ghi nhận bởi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), để đánh giá các tác động của dịch COVID-19 lên tình hình hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa tiến hành khảo sát các doanh nghiệp này. Theo đó, khoảng 15% doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm 50% so với năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp ước tính số lượng dịch vụ logistics (trong nước và quốc tế) giảm từ 10-30% so với năm 2019.
Theo VLA, hoạt động vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong luân chuyển hàng hóa do nhiều nhà máy tại Trung Quốc tạm ngưng hoạt động. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trở nên đình trệ, dẫn đến việc sản lượng hàng hóa xuất khẩu duy trì ở mức thấp. Qua đó, nhiều hãng tàu quốc tế đã phải bỏ chuyến ở một vài cảng của Trung Quốc do lượng hàng thấp. Một số mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chịu tác động kép từ những yếu tố trên này, ví dụ như vải, sơ, sợi, sắt thép, đã phải chứng kiến sự sụt giảm sâu về giá trị trong hai tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, các mặt hàng thường được vận tải bằng đường hàng không như điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị có mức giảm thấp hơn do các chuyến bay chuyên dụng chở hàng hóa vẫn được hoạt động bình thường. Tổng cộng, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm 7% trong hai tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, do đa phần đây là những nguyên liệu được nhập khẩu về để gia công phục vụ xuất khẩu, nên nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng theo, gián tiếp tác động tới các nhu cầu về logistics.
Vận tải biển, khai thác cảng biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn
Đội tàu biển của Việt Nam chủ yếu hoạt động trên các tuyến ngắn trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng đáng kể. Do đo, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải biển nhiều khả năng sẽ sụt giảm trong quý 1/2020 khi mà sản lượng vận tải dự báo sẽ giảm mạnh.
Tương tự như vận tải biển, nhiều cảng biển của Việt Nam cũng có mức độ phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn hàng xuất nhập khẩu có liên quan tới thị trường Trung Quốc, Hong Kong, do đây là khu vực cảng trung chuyển lớn nhất của thế giới.
Ví dụ như tại Hải Phòng, VDSC ước tính số chuyến tàu đến từ hai thị trường nói trên ra/vào các cảng ở đây chiếm khoảng 40-45% tổng số lượt tàu quốc tế. Với việc khai thác cảng và các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động đình trệ do thiếu công nhân, cùng với thời gian bốc dỡ hàng lâu hơn do các tàu phải chịu sự kiểm tra gắt gao từ phía Trung Quốc, các hãng tàu lớn trên thế giới đều đã phải cắt giảm sản lượng do phải loại bỏ các cảng của Trung Quốc trong hành trình, dẫn tới giảm sản lượng bốc xếp tại các cảng của Việt Nam. Trong đó, VDSC ước tính sản lượng container qua các cảng Hải Phòng có thể bị giảm 10-15% trong 2 tháng đầu năm.