Thống kê số liệu trình bày trên Báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo quý IV/2017 của 20 ngân hàng hàng cho thấy, có 3 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tóm tắt như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đáng chú ý OCB trong nhiều năm liền chỉ công bố Báo cáo tài chính kiểm toán tóm tắt.
Trong số 17 ngân hàng công bố báo cáo tài chính có thuyết minh, có VietA Bank là ngân hàng trình bày cơ cấu cho vay theo ngành khá sơ sài, chỉ trình bày số liệu cho vay 4 nhóm ngành lớn chiếm 32,54% tổng dư nợ cho vay gồm nông nghiệp, lâm nghiệp; ngành thương mại, sản xuất và chế biến; phần còn lại là cho vay cá nhân và ngành nghề khác.
Tuy nhiên, từ số liệu phân tích cơ cấu nợ vay theo đối tượng khách hàng của VietA Bank cho thấy, cho vay cá nhân và khách hàng khác chỉ chiếm 13,72% tổng dư nợ. Điều này đồng nghĩa, hơn 50% tổng dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế đã không được VietA Bank phân loại trên thuyết minh báo cáo tài chính.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2017
Đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), tương tự như VietA Bank chỉ có 4 nhóm ngành hàng có số liệu chi tiết cho vay, chiếm 36,19%, còn lại 63,81% dư nợ là cho vay cá nhân và ngành khác. Đồng thời, thuyết minh phân tích nợ vay theo khách hàng cho thấy tại VIB 63,49% dư nợ cho vay dành cho cá nhân và cho vay khác.
Đối với 15 ngân hàng còn lại, tại ngày 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản hơn 163.160 tỷ đồng, tăng khoảng 2.033 tỷ đồng so với năm 2016, chiếm hơn 4,3% tổng dư nợ cho vay của 15 ngân hàng. Hai ngân hàng gồm VietinBank và Vietcombank có dư nợ cho vay bất động sản không đáng kể và được trình bày chung với số liệu cho ngành khác vay.
Nếu chỉ tính riêng số liệu của 13 ngân hàng có trình bày dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trung bình đạt 6,7% tổng dư nợ cho vay các ngành nghề và cá nhân; giảm so với năm 2016 (năm 2016 chỉ tiêu này là 7,9%).
Top 5 ngân hàng cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng cao gồm: Sacombank (17,6%); Techcombank (12,6%); LienVietPost Bank (11,6%); Kienlongbank (10,1%); VPBank (8,5%).
Trong số 5 ngân hàng này, ngoại trừ LienVietPost Bank có tăng nhẹ tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, 4 ngân hàng còn lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, VPBank đã kéo giảm tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản xuống dưới 10% thay vì trước đó năm 2016 là 11,7%.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng
Có 3 ngân hàng khác có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản tăng nhưng vẫn dưới 10% tổng dư nợ gồm ABBank; HDBank, và SHB.
Trước đó, BizLIVE đã có thống kê về dư nợ vay ngắn và dài hạn của 76 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn. Tại ngày 30/6/2017 tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp này là 96.242 tỷ đồng.