Ngày 20/11, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam, giao thông kết nối vùng. Giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hoá - xã hội tương ứng; đường đi đến đâu văn minh đến đấy”.
Thủ tướng ủng hộ đề nghị của tỉnh Lâm Đồng về việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Thủ tướng đề nghị tỉnh làm càng nhanh càng tốt công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Tây nguyên mới có 19km đường cao tốc Liên Khương- Prenn . Vùng này có 3.000km đường quốc lộ nối liền với các tỉnh duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: Quốc lộ 14 (QL), QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến QL18B, 78.
Thời gian qua, mặc dù được Chính phủ quan tâm đầu tư khoảng hơn 95.000 tỷ đồng, hệ thống giao thông vùng Tây nguyên đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, nhưng các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co, tốc độ khai thác thấp (từ 40 - 50km/h).
Việc đầu tư nói trên mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Do vậy, chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây nguyên nhằm nâng cao đời sống người dân vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Theo ông Thắng, trong kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc kết nối vùng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2021 - 2025), tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương...) với kinh phí khoảng hơn 28.000 tỷ đồng: Bộ GTVT đã bố trí khoảng 12.300 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương; ngân sách địa phương dự kiến hơn 6.500 tỷ đồng và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước hơn 9.200 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu hơn 89.000 tỷ đồng.