Nhóm 16 bang do Tổng chưởng lý California Xavier Becerra đứng đầu, đã nộp đơn tại tòa án quận Bắc California ngày 18/2.
“Chúng tôi sẽ cố gắng ngăn chặn Tổng thống vi phạm Hiến pháp, chia rẽ quyền lực, ăn cắp tiền của người Mỹ và các bang được phân bổ ngân sách theo Quốc hội”, ông Becerra nói với CNN.
Tổng thống Trump tới thăm khu vực hàng rào biên giới giữa Mỹ và Mexico ở khu vực San Diego. Ảnh: Global Post
Tham gia khởi kiện cùng California có các bang: Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Michigan, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon và Virginia. Lý do khởi kiện của các bên là Tổng thống Trump tìm cách “qua mặt” Quốc hội để lấy tiền xây tường biên giới bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
“Hiến pháp trao quyền cho Quốc hội về các vấn đề ngân sách và chưa từng có tổng thống nào từng sử dụng quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền cho một dự án được chọn, đặc biệt là một dự án nội địa quy mô lớn và lâu dài như thế này. Động thái này đi ngược lại với ý muốn của quốc hội và nó hoàn toàn vô lý”, ông Dror Ladin, một luật sư về các dự án an ninh quốc gia cho biết.
Tổng chưởng lý California Becerra nói rằng, các bang có đủ tư cách khởi kiện Tổng thống Trump vì ngân sách phân bổ cho các bang của họ có nguy cơ bị trưng dụng để xây bức tường biên giới.
“Nếu Tổng thống nhất thiết phải lấy số tiền đã được phân bổ cho các bang vì các mục đích khác nhau, chúng tôi sẽ bị thiệt hại và người dân của các bang sẽ bị thiệt hại”, ông Becerra nói.
Làn sóng khởi kiện Tổng thống Trump là điều được dự báo từ trước, khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 15/2 để có tiền xây bức tường biên giới mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Dự luật ngân sách được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó trong ngày 15/2 chỉ chi 1,375 tỷ USD cho an ninh biên giới, thấp hơn nhiều so với con số 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Trump đề xuất. Tổng thống Trump ký thông qua dự luật này nhưng sau đó vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động thêm nhiều tiền cho dự án xây tường biên giới. Động thái này vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các nghị sĩ cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội.
Từ năm 1978-2018 Mỹ có khoảng 58 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và hiện có 31 sắc lệnh vẫn còn hiệu lực cho tới nay./.