Cỏ kế đồng có tên khoa học là Cirsium arvense, là loài cỏ xâm hại nguy hiểm, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại các vườn, vùng trồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Khi cỏ này xuất hiện, chúng "tấn công" trực tiếp cây trồng và môi trường, gây tốn kém chi phí để phòng trừ, kiểm soát.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, hàng năm cỏ kế đồng đã gây thiệt hại mùa màng hàng trăm triệu USD, cộng thêm hàng chục triệu USD mua thuốc hóa học phòng trừ. Tuy nhiên, vẫn không thể diệt trừ triệt để vì chúng có bộ rễ ăn sâu xuống đất nên phun thuốc chỉ diệt trừ bộ phận trên mặt đất, mầm cỏ vẫn mọc lên từ rễ dưới đất và lại gây hại sau đó.
Ông Lê Sơn Hà - Trưởng Phòng KDTV (Cục BVTV) cho biết, cỏ kế đồng có khả năng sản sinh nhiều hạt nhỏ, mỗi cây có thể sinh ra 5.000 hạt nên dễ phát tán lây lan ra môi trường nhờ gió, côn trùng, động vật, dòng nước, máy móc nông nghiệp và các hoạt động khác của con người. Một khi loài cỏ này đã du nhập vào một quốc gia thì không thể diệt trừ triệt để.
Chính vì thế Mỹ, Canada ... xếp nó vào loại cỏ xâm hại nguy hiểm và thực hiện các chương trình phòng trừ tốn kém. Ngay tại Mỹ, các bang như Ohio, Conecticut, Arizona, Minesota… cũng cấm loài cỏ này và kiểm soát nghiêm ngặt để tránh lây lan.
Cỏ kế đồng là đối tượng KDTV xâm hại nguy hiểm ở nhiều quốc gia trên thế giới
Brazil, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc… xếp cỏ kế đồng là đối tượng KDTV và cấm không cho phép đi theo hàng hóa NK vào nước họ. Nói cách khác, nông sản nếu bị nhiễm loài cỏ này sẽ không được phép NK hoặc buộc phải xử lý triệt để trước khi NK, nếu không sẽ bị bắt buộc tái xuất. Trường hợp tái phạm hàng hóa sẽ bị tạm ngừng hoặc cấm NK.
Cũng theo ông Lê Sơn Hà, tại Việt Nam rất may mắn là loại cỏ này chưa có và là loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng KDTV nhóm I, cần phải kiểm soát nghiêm ngặt và ngăn chặn không cho chúng đi theo hàng hóa NK để bảo vệ nền SX nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ thị trường XK cho nông sản Việt Nam.
1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng
Theo Cục BVTV, lô hàng lúa mì đầu tiên bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng vào ngày 8/5/2018 có xuất xứ từ Nga. Tính từ tháng 5/2018 đến ngày 10/10/2018 có hơn 1,6 triệu tấn lúa mì nhập từ Nga, Mỹ, Canada và một số quốc gia khác.
Cục BVTV đã nhiều lần gửi thông báo cho Cơ quan BVTV quốc gia các nước có hàng hóa NK bị nhiễm loài cỏ này, trực tiếp làm việc với Cơ quan đại diện thương mại các nước tại Hà Nội, trực tiếp họp hoặc họp qua video trực tuyến với Cơ quan KDTV các nước yêu cầu xác định ngay nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Cục BVTV cũng đã họp, cung cấp thông tin và hướng dẫn DNNK biết để chủ động lựa chọn nguồn hàng đảm bảo và ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với đối tác XK. Tuy nhiên, từ khi phát hiện và cảnh báo cách đây 5 tháng, đến nay vi phạm vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, đến ngày 10/10/2018 là hơn 1,6 triệu tấn lúa mì NK bị nhiễm loài cỏ nguy hiểm này.
Ông Lê Sơn Hà nhấn mạnh, nếu các quốc gia XK không có biện pháp khắc phục, để bảo vệ SX nông nghiệp cũng như hoàn toàn phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế về KDTV, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp KDTV cao hơn, đó là buộc tái xuất các lô hàng vi phạm và thậm chí là tạm ngừng hoặc cấm NK các mặt hàng bị nhiễm đối tượng KDTV của Việt Nam đã nhiều lần được cảnh báo.
Đối với các DNNK, Cục BVTV nhiều lần khuyến cáo cần lựa chọn nguồn hàng không bị nhiễm đối tượng KDTV và ký hợp đồng với ràng buộc pháp lý chặt chẽ, quy định trách nhiệm của nhà XK đáp ứng quy định pháp luật Việt Nam. Thực hiện được điều này, ngoài đảm bảo lợi ích của mình, DN cũng đã góp phần nâng cao vị thế cho DN Việt Nam trước đối tác XK.
Hiện nay Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều phải tuân thủ quy định và thông lệ quốc tế về KDTV như Công ước BVTV (IPPC), Hiệp định về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS ). Như vậy, chúng ta có chủ quyền thực hiện các biện pháp KDTV theo quy định và thông lệ quốc tế với lúa mì nhiễm cỏ kế đồng.
Đối với mặt hàng lúa mì nhiễm loài cỏ kế đồng, theo kinh nghiệm của hệ thống KDTV, biện pháp xử lý khả thi và hiệu quả nhất là làm sạch qua hệ thống sàng hoặc quạt trước khi XK, các biện pháp thông thường như phun khử trùng hay xông hơi khử trùng không đảm bảo diệt trừ 100%. Ngoài ra là nghiền nhỏ hạt cỏ thành bột, song cũng rất khó triệt để.
Ông Hồ Duy Bảo, GĐ Cty Wilmar Flour cho biết, ngay sau khi phát hiện các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, DN đã phối hợp và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giám sát, quản lý mà phía Cục BVTV yêu cầu.
Cận cảnh cỏ kế đồng |
Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, các DN có NM xay xát mới có máy móc để xử lý, còn các DN buôn bán sang tay rất khó xử lý, kiểm soát được kế đồng lẫn trong lúa mì. Về lâu dài, ông Bảo rất mong cơ quan chức năng các bên ngồi lại thống nhất phương án, quy trình xử lí và giải pháp tốt nhất là xử lí ngay tại nguồn xuất để vừa đỡ cho DNNK, vừa giảm bớt nguy cơ gây hại sau này.
Còn vị đại diện Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sĩ Giáo cho biết, bản thân DN nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn rất tận tình về quy trình của Cục BVTV khi phát hiện các lô lúa mì NK nhiễm cỏ kế đồng, nhưng qua chia sẻ với các đối tác phía XK thì để xử lí triệt để cỏ kế đồng trong lúa mì không dễ vì loài cây này mọc lẫn và có chiều cao ngang với cây lúa mì. Cách xử lí tốt nhất là trong quá trình sơ chế, xay xát.
Ông Phùng Thành Long, GĐ Cty CP Bột Mì Vinafood 1 chia sẻ, hiện nay nguồn hàng lúa mì chủ yếu đến từ EU, Mỹ và Canada. Nếu không NK từ các nguồn trên chỉ còn lại Úc, trong khi Úc năm 2018 sản lượng lúa mì sụt giảm 50% nên giá hiện tăng khá cao.
Bản thân các DNNK khá lo lắng về nguồn cung thay thế trong khi nhu cầu tiêu thụ bột mì tại Việt Nam hiện đang tăng trên 20% mỗi năm. Ông Long kiến nghị Cục BVTV có giải pháp tổng thể hơn.
Việt Nam cũng áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật về KDTV theo thông lệ quốc tế: Khi phát hiện hàng hóa bị nhiễm đối tượng KDTV, Cục BVTV sẽ thông báo cho Cơ quan BVTV quốc gia của nước XK thông báo hàng hóa NK vi phạm quy định về KDTV của Việt Nam, yêu cầu điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, nếu tiếp tục vi phạm Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp KDTV cao hơn là tái xuất, thậm chí là tạm ngừng NK.
Vừa qua, Việt Nam đã nhiều lần tạm ngừng NK đối với lạc, quả me khô, bông, lúa mì, bột bã ngô… từ các quốc gia vì vi phạm quy định KDTV của Việt Nam.