Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xây dựng Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đặt ra mục tiêu đạt được diện che phủ hưu trí toàn dân thông qua hệ thống hưu trí đa tầng, kết hợp các cơ chế hưu trí đóng góp và không đóng góp.
Đề án đề xuất cách tiếp cận mở rộng bao phủ dựa vào một hệ thống hưu trí đa tầng thường bao gồm một hợp phần lương hưu cào bằng lấy từ nguồn thuế (Tầng 1), một hợp phần hưu trí bắt buộc đóng góp theo thu nhập (Tầng 2) và một hợp phần hưu trí bổ sung (Tầng 3). Cụ thể:
Tầng 1 này, theo nhóm nghiên cứu, nhằm mục đích đảm bảo mọi người đều có thu nhập tối thiểu khi về hưu thông qua lương hưu được lấy từ nguồn thuế. Điều này hoàn toàn phù hợp với Khuyến nghị Sàn an sinh xã hội của ILO. Sự đảm bảo này đặc biệt phù hợp với những người không có hoặc chỉ có rất ít khả năng đóng góp vào cơ chế hưu trí có đóng góp khi còn làm việc, kể cả những người có thu nhập thấp và không thường xuyên, người lao động làm việc phi chính thức và các nhóm khó tiếp cận như lao động nông nghiệp.
Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu việc mở rộng bao phủ sẽ dựa vào trợ cấp thẩm tra hưu trí. Từ trước tới nay, trợ cấp thẩm tra hưu trí có nghĩa là tất cả những người không nhận lương hưu đóng góp (trong trường hợp ở Việt Nam là chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội) sẽ hưởng hưu trí được tài trợ từ nguồn thuế.
Nghị quyết số 28 cũng đặt ra các chỉ tiêu tăng bao phủ tới 45%, 55% và 65% số người trên tuổi nghỉ hưu thông thường đều được hưởng một chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và phụ cấp xã hội vào các năm 2021, 2025 và 2030 tương ứng.
Một ước tính chi phí cho thấy Việt Nam có thể có đủ nguồn lực để mở rộng chế độ hưu trí lấy từ nguồn thuế cho tất cả những người trên 67 tuổi mà không ảnh hưởng lớn đến tài chính công.
Ví dụ, giả sử giảm dần tuổi hưởng hưu trí được lấy từ nguồn thuế từ 80 xuống 68 tuổi vào năm 2030 - là cần thiết để đạt được chỉ tiêu bao phủ của Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là 60% số người trên tuổi về hưu; mức lương hưu là 350.000đ/tháng (tương đương 25% lương công chức cơ bản), lương hưu xã hội trên cơ sở thẩm tra lương hưu (lương hưu lấy từ nguồn thuế) được ước tính chỉ đạt 0,3% GDP vào năm 2030, và sau đó bắt đầu giảm xuống vì có nhiều người bắt đầu nhận được lương hưu từ bảo hiểm xã hội.
Ảnh: Brayden Howie / HelpAge International
Chi phí của hợp phần lương hưu trên cơ sở thẩm tra hưu trí cũng phụ thuộc vào việc xử lý việc rút Bảo hiểm xã hội một lần. Sự kết hợp hiệu quả giữa chế độ lương hưu thẩm tra hưu trí và lương hưu bảo hiểm xã hội sẽ tạo tác động đáng kể tới độ bao phủ hưu trí và các chỉ số kinh tế xã hội.
Điều quan trọng là cần phải đảm bảo hệ thống hưu trí có cơ chế tính hệ số để duy trì giá trị của khoản lương hưu, nếu không thì tác động về sức mua sẽ bị giảm dần theo thời gian. Mức hưu trí phải đủ để đảm bảo cuộc sống bền vững khi về già. Mức lương hưu khá thấp-350.000đ, đã có thể tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa đối với đời sống và gia đình người cao tuổi, bằng việc giảm tỷ lệ cận nghèo trong nhóm nhận lương hưu xuống 34,9%. Nếu mức trợ cấp cao hơn, ví dụ 700.000đ, rõ ràng sẽ có tác động lớn hơn đối với tình trạng nghèo và phúc lợi của người cao tuổi, trong khi chi phí khi đó vẫn hợp lý, tăng từ 0,3% lên 0,54% GDP.
Tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc gắn liền với chức năng bảo hiểm và điều hòa thu nhập trong các chương trình an ninh thu nhập tuổi già. Mặc dù đảm bảo mức thu nhập cơ bản, nhưng tính riêng các khoản trợ cấp lấy từ nguồn thuế thì khó có thể trợ cấp đủ so với thu nhập khi còn đi làm. Các chương trình lấy từ nguồn thuế hướng tới mục tiêu giảm nghèo và tái phân phối của hệ thống hưu trí nhưng lại thiếu chức năng điều hòa thu nhập.
Chương trình hưu trí công bắt buộc lấy nguồn từ các nguồn đóng góp là chìa khóa để đảm bảo khoản trợ cấp đầy đủ cho một bộ phận lớn người lao động, bao gồm cả tầng lớp trung lưu. Tầng 2 thường là tầng đóng góp.
Về lâu dài, việc mở rộng Tầng 2 này cần phải đi kèm với một chiến lược chính thức hóa mang tính tích hợp và toàn diện nhằm tăng cơ sở đóng góp, cũng như nỗ lực tăng cường tuân thủ pháp luật trong khu vực chính thức. Ngoài ra, điều quan trọng là Tầng 2 cần tương thích với các đặc điểm và sự phát triển của thị trường lao động. Việc điều chỉnh các tham số hưu trí là cần thiết để đảm bảo bền vững tài chính, mở rộng diện bao phủ và có các khoản trợ cấp đủ sống.
Như đã trình bày ở phần trên, nhu cầu cấp thiết cho Việt Nam là phải tăng và bình đẳng tuổi nghỉ hưu, giảm dần tỷ lệ tích lũy, hạn chế chi trả bảo hiểm xã hội một lần trước tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh công thức tính hệ số lương hưu, giảm các điều kiện hưởng, tăng cường thực thi khai báo đầy đủ thu nhập, và hài hòa giữa lương hưu thẩm tra hưu trí và lương hưu bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến sự hài hòa giữa Tầng 1 và Tầng 2, điều quan trọng là phải đảm bảo lương hưu bảo hiểm xã hội luôn cao hơn so với lương hưu được lấy từ nguồn thuế, nhằm khuyến khích người lao động tham gia vào chương trình đóng góp này.
Hưu trí nghề nghiệp hoặc hưu trí tư nhân tự nguyện khác cấu thành Tầng 3 mang tính tự nguyện có vai trò khá hạn chế ở các quốc gia châu Á vì chỉ một số ít người có khả năng đóng góp. Các chương trình hưu trí cá nhân này cung cấp một khoản hưu trí bổ sung thêm vào hưu trí công bắt buộc dành cho những người muốn có tỷ lệ thay thế cao hơn. Rủi ro và trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về cá nhân.