Nhân dịp này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã trao đổi với báo chí về “Chiến lược chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số”.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, tại Việt Nam, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính-ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển.
Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loạt các cơ chế chính sách, và đặc biệt chủ trương này gần đây đã được củng cố thêm bởi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, từ 2018, một số công nghệ như robot tiên tiến, vận tải tự động, trí tuệ nhân tạo và một số công nghệ khác sẽ được đưa vào sử dụng ở quy mô công nghiệp và dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm.
Kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội.
Dự báo trong trung và dài hạn sẽ tác động trực tiếp và nhiều nhất đến các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (lắp ráp, dịch vụ, dệt may…) do lao động dần được thay thế bởi tự động hóa, robot thông minh.
Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay sẽ khiến đất nước có thể phải đối mặt với khó khăn do tự động hoá và chuyển đổi số trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể, các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế, bao gồm dệt may, dày da, gia công lắp ráp... Việc hiểu được về làn sóng chuyển dịch sắp tới là rất cần thiết để khai thác được cơ hội, hạn chế rủi ro khi tiếp cận và ứng dụng các công nghệ số cho các ngành kinh tế của Việt Nam.
Mới có 21% doanh nghiệp Việt bắt đầu có chuẩn bị ban đầu cho Kinh tế số. Ảnh minh họa.
61% doanh nghiệp Việt còn đứng ngoài cuộc
Ông Đặng Hoàng Hải cũng cho biết thêm, hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây được đẩy mạnh thông qua Nghị Quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, bao gồm 3 hạng mục chính: phát triển dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực, với mục tiêu "đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”.
Từ năm 2014 đến nay, theo báo cáo của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam đã tăng 11 bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI).
Việt Nam là một trong 10 quốc gia đã nhảy vọt từ Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) mức trung bình đến mức cao, trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore ,Malaysia , Philippines , Thái Lan và Brunei. Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ cũng sẽ xây dựng lộ trình nhằm ứng dụng mạnh các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc.
Trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển kinh tế số. Tuy nhiên 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.
Các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong khuôn khổ “Sáng kiến chuyển đổi số - DTI”, 7 công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); xe tự lái; phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây; công nghệ in 3D; Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; robot; và mạng xã hội. Các công nghệ này hiện đang được các doanh nghiệp nghiên cứu và bắt đầu đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.
"Để thúc đẩy Chuyển đổi số, tận dụng được ưu thế của các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng ngành, từng lĩnh vực cần tập trung xây dựng Chiến lược chuyển đổi số nhằm xây dựng Việt Nam 4.0 với nền quản trị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh," ông Đặng Hoàng Hải nhận định.