Tuần trước, Nokia chính thức rời khỏi tổ chức bảo trợ ngành công nghiệp của Mỹ - đơn vị đang quảng bá về một giải pháp phần mềm để thay thế cơ sở hạ tầng hiện đại của 5G. Đây là một động thái giáng mạnh vào uy tín của của một dự án vốn đã gặp khó khăn ngay từ giai đoạn triển khai.
18 tháng trước, chính quyền Trump đã từ bỏ kế hoạch tạo ra một đối trọng thực sự với Huawei ở mảng cơ sở hạ tầng băng thông rộng 5G. Thay vào đó, họ chọn cách tiếp cận dựa vào phần mềm được biết đến với cái tên O-RAN (mạng truy cập vô tuyến mở).
Dự án O-RAN của Mỹ đang đứng trước thách thức nghiêm trọng trong việc triển khai.
Về lý thuyết, nhóm phát triển dự án này tin rằng các linh kiện máy tính thông thường được điều khiển bằng một phần mềm tinh vi sẽ thay thế các con chip xử lý chuyên dụng và modem radio mà Huawei, Errison và Nokia đã phát triển ra. Khi đó, Mỹ có thể bỏ qua công nghệ được cho là vượt trội và danh mục bằng sáng chế của Huawei để tự phát triển trạm gốc và thiết bị 5G.
Cố vấn kinh tế của ông Trump, Larry Kudlow, dẫn lời Michael Dell – người được xem là mê mẩn với O-RAN (cũng là nhà cung cấp linh kiện máy tính lớn nhất) về hiệu ứng "phần mềm ăn đứt phần cứng". Các hãng công nghệ Mỹ về cơ bản đã rời khỏi hầu hết hoạt động sản xuất phần cứng để tập trung vào phần mềm vì lợi nhuận cao.
Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng gần 700.000 trạm 5G, chiếm 70% tổng số trạm toàn cầu, trong khi con số của Mỹ chỉ là 50.000 trạm. Trung Quốc sẽ xây thêm 1 triệu trạm nữa trong năm 2021, cung cấp 5G đến tất cả thành phố của đất nước này. Huawei chiếm khoảng 3/5 thị phần hạ tầng 5G tại Trung Quốc. Trong khi đó, O-RAN vẫn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Ericsson – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Huawei, đánh giá dự án O-RAN không khả thi. Trong khi đó, Nokia – nhà cung cấp thiết bị viễn thông số 3 thế giới, đồng ý tham gia vào nhóm bảo trợ ngành công nghiệp của Mỹ để thúc đẩy phương pháp tiếp cận phần mềm. Tuy nhiên vào tuần trước, họ đã rời khỏi nhóm này.
Rắc rối với O-RAN và tập đoàn bảo trợ của Mỹ là thị trường viễn thông 5G của Trung Quốc lớn hơn Mỹ rất nhiều, đến mức các công ty quốc tế lớn như Nokia sẵn sàng bỏ qua nỗ lược của Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc.
Những người chỉ trích O-RAN thì cho rằng giải pháp này tốn kém, cồng kềnh và không hiệu quả, Asia Times cho biết vào cuối năm 2020.
Trong khi Huawei đang tăng tốc với các dự án 5G tại Trung Quốc - nơi chiếm đến 70% lượng trạm 5G toàn cầu.
Một giám đốc điều hành viễn thông Trung Quốc nói với Asia Times: "Việc viết phần mềm sẽ mất nhiều năm và sẽ mất ít nhất 2 năm thử nghiệm để gỡ lỗi. Các vấn đề về bảo mật sẽ là một cơn ác mộng. Có rất nhiều lỗ hổng trong một hệ thống đòi hỏi hàng triệu dòng code".
Ngay cả khi O-RAN hoạt động với mạng 5G của Verizon, AT&T hay T-Mobile, nó cũng sẽ tạo ra một nỗi kinh hoàng đối với các mạng 5G dành riêng cho các ứng dụng công nghiệp, theo Forbes.
Đó là lỗ hổng nghiêm trọng trong cách tiếp cận 0-RAN vì lợi ích kinh tế lớn nhất từ 5G sẽ đến từ các ứng dụng doanh nghiệp, bao gồm robot công nghiệp, hậu cần thông minh, kho và cảng tự động, phương tiện tự động, thành phố thông minh, y tế từ xa, điều khiển từ xa hay khai thác có kiểm soát…
Ở góc độ tiêu dùng cá nhân, 5G không quá cần thiết. Người dùng cá nhân có thể phát video trực tiếp với mạng 4G LTE. Tuy nhiên với doanh nghiệp, 5G là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì độ trễ thấp và khả năng truyền dữ liệu cao hơn tạo ra một loạt các công nghệ mới.
Hồi tháng 6, CTO của Huawei là Pail Scanlan cho biết Huawei đã phát triển mạng doanh nghiệp cho 2.000 công ty sản xuất và dự kiến xây dựng 16.000 mạng khác trong năm sau. Công ty này cũng đã xây 5.300 mạng cho các công ty khai thác, Scanlan nói thêm.
Trong khi đó, số lượng mạng 5G riêng tại Mỹ không được tiết lộ. Tuy nhiên theo nguồn tin trong ngành thì con số này đâu đó ở mức vài trăm mạng.
Tham khảo: AsiaTimes