Người chăn nuôi kiệt sức và chờ đợi
Tính thêm cả tỉnh Bắc Ninh vừa bị dịch bệnh xâm nhiễm, đến ngày 17.3.2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên 18 tỉnh, nguy cơ dịch ASF "nam tiến" chỉ tính từng ngày.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết: Nguyên nhân chính xuất hiện dịch là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan..
Thịt lợn bán trong siêu thị được người dân quan tâm vì tin tưởng nguồn gốc. Ảnh: Kh.V
Người chăn nuôi đang rớt nước mắt nhìn hàng chục nghìn con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy - những đồng tiền chắt bóp của họ đã đang và sẽ bị thiêu thành tro. Dù Nhà nước hỗ trợ, nhưng sắp tới đây, họ biết sống bằng gì khi dịch bệnh dự báo sẽ còn kéo dài dai dẳng và thời gian tái đàn xem chừng rất xa vời.
Chủ một trang trại chăn nuôi tại Bắc Ninh rớt nước mắt nói: “Cán bộ thú y sát cánh cùng chúng tôi ứng phó với dịch bệnh, nhưng làm sao ngăn chặn được khi đây là dịch bệnh mới, chưa có vaccine chích ngừa, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu? Chúng tôi gần như “tay không đánh nhau với ASF”, chỉ biết tẩy trùng, cách ly chuồng trại. Nhưng làm rất kỹ dịch bệnh vẫn lan đến. Chúng tôi chờ các biện pháp khả thi để chặn dịch bệnh ASF”.
Phải đánh giá lại nguyên nhân gây bệnh
Để ngăn ngừa dịch ASF lây lan rộng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Thú y đánh giá lại toàn bộ nguyên nhân gây bệnh, tổng hợp, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính;
Phun hóa chất ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: PV
Xem lại việc lấy mẫu xét nghiệm của đàn lợn xung quanh ổ dịch, vì các ổ dịch hiện đang xuất hiện theo kiểu “xôi đỗ”, bởi kết quả xét các mẫu trên đàn lợn xung quanh ổ dịch thời gian qua có tỉ lệ dương tính với dịch tả lợn châu Phi rất thấp.
Trong thời gian tới cần tập trung phòng ngừa tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Quan trọng nhất là thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi; thực hiện các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đặc biệt, khi phát hiện có dịch cần báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý; quản lý chặt chẽ vận chuyển lợn, thực hiện theo quy mô từng địa phương.
Các địa phương cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ đàn lợn bệnh bị tiêu huỷ; tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng bán tháo lợn bệnh; người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn an toàn. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ quy trình phòng, chống dịch, từ đó có giải pháp căn cơ hơn.
"Đối với hộ đã có dịch, đề nghị không tái đàn vào thời điểm này, khi nào có kết luận của cơ quan chuyên môn an toàn thì mới tái đàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.