Trong cơn bão giá của Bitcoin, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyên Anh nêu quan điểm cá nhân của tác giả này về "sự điên rồ" của đồng Bitcoin.
...................................
Khi tôi viết bài viết này cũng là lúc bitcoin tăng giá lên 18.000$, gấp đôi sau hơn 1 tháng trước khi nó chỉ có giá 7.200$. Tôi tự hỏi sự điên rồ này đến từ đâu? Là một nhà đầu tư tài chính các nhân dù bị thu hút bởi sức hấp dẫn đến từ sự tăng giá điên rồ đó tôi vẫn không thể có cái nhìn thiện cảm về nó. Đã có quá nhiều bài báo nói về bitcoin hay ca ngợi nó. Tôi muốn khác một chút, bài viết này là quan điểm cá nhân tôi với sự điên rồ đó.
Rất dễ để tạo ra 1 đồng tiền ảo trong khi rất khó để tạo ra 1 đồng tiền giấy
Tôi nói rất dễ, đúng vậy, chỉ sau sự tăng giá không ngừng nghỉ của bitcoin chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự ra đời của những đồng tiền ảo khác. Những đồng đô la, bảng Anh hay những đồng tiền khác đã hình thành cách đây cả trăm năm bị lu mờ dưới sức hấp dẫn của những đồng tiền ảo chỉ ra đời cách đây vài năm và bùng nổ chỉ trong vài tháng. Thật quá dễ dàng để cho ra đời 1 đồng tiền ảo, bạn chỉ cần là một lập trình viên am hiểu về blockchain cùng một mớ khái niệm công nghệ phức tạp quay quanh nó bạn cũng có thể tự tạo một đồng tiền cho riêng mình. Bạn đưa nó lên sàn giao dịch với giá rẻ mạt ban đầu và chờ mọi người công nhận. Không cần giấy phép, không cần sự bảo đảm, rất khác với một đồng tiền được phát hành bởi một ngân hàng Trung ương (thường đại diện cho một thể chế hoặc một quốc gia). Nếu không tin, bạn hãy nhìn lại lịch sử ra đời của đồng đô la hay gần đây nhất sự ra đời của đồng euro.
Giá trị ảo neo vào giá trị thật - đâu mới là giá trị đích thực
Thật khó có thể tin được khi mặc dù là tiền ảo chúng ta vẫn cần tiền thật để đổi ra nó (nếu không muốn nói là mua nó). Hãy thành thật, nếu giá bitcoin không tăng điên rồ như vậy bạn có đầu tư vào nó không? Nếu là nhà đầu tư vậy bao giờ bạn sẽ kết thúc thương vụ đầu tư của mình? Bạn đầu tư mua 1 bitcoin khi giá 6.000$ và rồi sau đó nó tang 12.000$, bạn đã thành công khi đem về khoản lợi nhuận không tưởng 100%. Và rồi giá tăng lên 13.000$, bạn lại mua vào và rồi bitcoin tang 15000$... tôi tự hỏi bạn sẽ kết thúc cuộc hành trình của mình như thế nào. Một ngày tất cả các nhà đầu tư đồng loạt chốt lời cho thương vụ của mình, vậy ai sẽ mua vào? Tính thanh khoản lại là một vấn đề cần xem xét. Giá trị của bitcoin thực sự có như vậy không hay chỉ là chúng ta đang tham gia một trò chơi có tổng bằng 0 (zezo sum game).
Mặt khác, tôi vẫn phải dùng tiền lương của mình để đổi ra bitcoin và rồi chứng kiến giá của nó lên xuống không giới hạn. Và hãy tưởng tượng sếp trả lương cho tôi bằng bitcoin, tháng này có thể mua được cả một con xe honda civic mới cóng nhưng có thể tháng sau cùng số coin đó tôi chỉ mua được một ổ bánh mỳ. Giá trị lao động của tôi nay không còn phụ thuộc vào đánh giá của ông chủ dựa trên cống hiến của mình nữa mà còn phải phụ thuộc vào nhóm các nhà đầu cơ nữa. Bạn hiểu ý tôi chứ.
Bảo mật cao, sự thật có đúng như vậy?
Người ta đề cao tính bảo mật của tiền ảo, tôi muốn nói cụ thể hơn là bitcoin. Nhưng hãy xem những gì chúng ta thấy những vụ hack sàn giao dịch gần đây khiến mất đi hang nghìn bitcoin trị giá cả triệu đô. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát này, không ai cả. Sàn giao dịch bị hack đơn giản là đóng bang giao dịch, thậm chí đóng cửa, chúng ta mất tiền nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Hãy cùng tôi tưởng tưởng một chút, nếu bitcoin là đồng đô la, bạn được ngài Trump quảng cáo là đồng tiền mạnh, an toàn, thanh khoản cao… và bạn chỉ cần mở 1 tài khoản tiền đô ở JP Morgan Chase là có thể giao dịch với chúng tôi rồi. Đến một ngày 1 toán cướp đến cưới đi hang triệu đô của ngân hang và JP Morgan Chase bảo rằng toàn bộ số tiền bạn có đã bốc hơi mất, bạn sẽ nghĩ sao?
Nếu bạn vẫn cho rằng bitcoin bản chất là bảo mật, chỉ có điều bảo mật của sàn giao dịch quá kém mà thôi, cũng chẳng khác nào bạn cho rằng đồng đô la quá mạnh chỉ do ngân hàng giữ nó không cẩn thận mà thôi. Phải chăng tính chất không bị quản lý của bất kỳ tổ chức nào của nó nên cũng không có người chịu trách nhiệm. Vậy tôi sẽ rút những đồng đô la của mình về nhà và cất dưới gối cho an toàn và bạn cũng nên làm như vậy đối với những đồng bitcoin của mình.
Không chịu sự quản lý của bất kỳ ai?
Tôi nghĩ điều này không hoàn toàn đúng. Bitcoin vẫn có 1 tổ chức đứng sau đó bitcoin.org, một cơ số các sàn giao dịch khác cex.io, bitfinex.com, coinbase.com… Chúng ta đã chứng kiến ít nhấn 2 lần sự phân tách bitcoin ảnh hưởng ra sao đến giá của bitcoin thời điểm đó. Bitcoin tự phân tách ư? Không tôi nghĩ là cần một nhóm lập trình viên bí ẩn đứng sau nó. Phải chẳng sự quản lý chỉ đơn giản là chuyển dịch từ các nhà quản lý kinh tế sang các lập trình viên. Sẽ ra sao nếu không có một chỉ dẫn cho bạn về bitcoin, hay bạn sẽ sử dụng bitcoin thế nào khi không có một ví điện tử hay các sàn giao dịch trên. Thật ví von thay khi bitcoin.org có vẻ lại giống như một ngân hàng trung ương trong khi các sàn giao dịch như là các ngân hàng đảm bảo cho sự lưu thông của bitcoin vậy.
Không thể phủ nhận tính ưu việt của công nghệ blockchain, nhưng cái giá của nó thực sự quá điên rồ
Tôi nghĩ chúng ra nên rạch dòi giữa 2 vấn đề đó là đồng bitcoin và công nghệ blockchain. Sự ưu việt của công nghệ blockchain là điều không thể phủ nhận. Nhiều ngân hàng hay thậm chí quốc gia (như Nhật Bản) bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng công nghệ blockchain vào hệ thống tài chính, nhưng chúng ta không thể hiểu nhầm rằng họ thừa nhận bitcoin. Tôi tin rằng họ sẽ áp dụng blockchain vào hệ thống của mình và đưa chúng ta đến một kỷ nguyên mới dựa trên những giá trị đích thực và trách nhiệm.
Bong bóng bao giờ sẽ vỡ?
Chúng ta không thể nói trước được điều này. Một ngày bạn thức dậy bitcoin không được công nhận trên toàn cầu, không được chấp nhận thanh toán ở mọi nơi. Điều này khỏi bàn 15000 $ của bạn hôm qua hôm nay chỉ là giấy vụn điều đó khỏi bàn. Nếu nó được thừa nhận, chúng ta cần một cái giá hợp lý cho nó. Sẽ là bao nhiêu? Lúc này bitcoin phải trở về với giá trị thực của nó, giá trị mà tất cả chúng ta cùng công nhận như đã công nhận với đô la mỹ hay yên nhật. Một đồng đô mỹ đổi được bao nhiêu yên nhật, và rồi một yên nhật đổi được bao nhiêu bitcoin, ta cần một con số.
Chúng ta không thể chấp nhận sếp trả lương cho mình bằng bitcoin khi nó cứ lên xuống điên rồ như những gì tôi ví dụ ở trên phải không? Hãy nhìn những bong bóng đã qua, hoa tuylip rất đẹp và nó vẫn tồn tại đến bây giờ nhưng những thương gia buôn củ hoa thì không, internet vẫn tồn tại và đưa chúng ta bước sang một kỷ nguyên mới… nhưng trước đó hàng chục công ty đã chết vì cái ảo tưởng dot com điên rồ đó. Nhưng tôi tin và dám cá với bạn rằng bong bóng sẽ vỡ, dù được thừa nhận hay không thừa nhận và chúng nó ra cũng cần thời gian chiêm nghiệm trước khi chứng kiến nó.