Như vậy tổng ca nhiễm ở địa phương này lên 42 ca tính đến 1 giờ 30 sáng 11-2. Lệnh sơ tán được áp dụng sau khi một phụ nữ 62 tuổi ở phòng 307 thuộc lô nhà Khang Mỹ được chẩn đoán nhiễm nCoV. Bệnh nhân này được phát hiện sống ngay bên dưới căn hộ 1307 ở tầng 13, thuộc về bệnh nhân thứ 12 nhiễm virus corona ở đặc khu này.
Lô nhà Khang Mỹ của chung cư Trường Khang là nơi phát hiện 2 ca nhiễm đáng nghi. Ảnh: SCMP
Giáo sư Đại học Hồng Kông Viên Quốc Dũng cho rằng nguyên nhân phát tán nCoV có thể là do hệ thống đường ống của tòa nhà gây ra việc truyền virus thông qua chất thải của người. Một số lỗ thông hơi bị nghi ngờ không được lắp đúng cách, khiến virus truyền sang các nhà vệ sinh khác thông qua quạt hút khí. Kết quả nghiên cứu trước đó cho thấy nCoV hiện diện trong chất thải của người.
Vì phòng ngừa, giáo sư Viên cho hay toàn bộ các căn hộ số 7 ở mỗi tầng lầu đều được sơ tán để giới chức tiến hành kiểm tra đường ống. Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông cho biết việc sơ tán là một biện pháp phòng ngừa an toàn vì không chắc chắn đường truyền chính xác là gì.
Trong trường hợp bùng nổ dịch SARS bên trong tòa nhà chung cư ở Ngưu Đầu Giác vào năm 2003, thiết kế đường ống hình chữ U của hệ thống thoát nước cho phép virus SARS len lỏi vào từng căn hộ. Tổng cộng 321 người nhiễm virus, 42 người thiệt mạng khi đó.
Nút thắt xét nghiệm
Trong khi đó tại Trung Quốc, cuộc đua chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV) gặp chướng ngại do thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm chuẩn xác. Câu chuyện của cư dân TP Vũ Hán William Dương là ví dụ. William Dương hết sức bồn chồn bực dọc khi mẹ anh (57 tuổi) có triệu chứng cảm lạnh, sau đó sốt cao và khó thở trong hơn một tuần. Thế nhưng mất một khoảng thời gian lâu bà mới được xác nhận nhiễm nCoV.
Xem thêm Tin nóng virus corona thế giới tại đây
Cuộc hẹn khám đầu tiên vào ngày 1-2 bị hủy do thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm. Sau đó, người mẹ cũng được thăm khám ở một bệnh viện khác. William Dương nhẹ nhõm khi biết kết quả âm tính với nCov. Dù vậy, bệnh trạng của mẹ ngày càng xấu đi và được xét nghiệm lần 2.
Bảo vệ và bác sĩ ngăn không cho người thân bệnh nhân đi vào khu vực cách ly, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona ở Vũ Hán. Ảnh: REUTERS
Lần này, xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng người mẹ phải đợi thêm 1 ngày nữa mới có thể nhập viện. Đến ngày 10-2, sức khỏe của người mẹ không khá lên. Theo giải thích từ bác sĩ bệnh viện Nhân dân Vũ Hán, vì xét nghiệm bao gồm nhiều bước, một sai lầm ở bất kỳ khâu nào cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Ông Vương Thần, phó chủ tịch Viện Hàn lâm kỹ thuật Trung Quốc kiêm chủ tịch Expedia, cho biết tỉ lệ chính xác của xét nghiệm chỉ ở mức 30 đến 50%.
Ngoài mối lo bệnh tình của mẹ, William Dương còn có người bà 80 tuổi, bị liệt, cũng có triệu chứng bị nhiễm bệnh nhưng không thể đến bệnh viện. Anh gọi xe cứu thương trong nhiều ngày nhưng kẹt cứng.
Các bác sĩ với đồ bảo hộ nói chuyện với một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona ở trung tâm y tế cộng đồng thành phố Vũ Hán. Ảnh: AP
Trước tốc độ virus corona lây lan nhanh chóng, các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Mỹ nỗ lực phát triển các phương pháp chẩn đoán chính xác hơn để tăng tốc độ sàng lọc bệnh nhân. Thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm và sự thiếu chính xác của bộ dụng cụ đưa đến quan ngại rằng có thể số ca nhiễm virus corona nhiều hơn số liệu chính thức.
Trong vòng 2 tuần, Bắc Kinh đã phê duyệt 7 bộ dụng cụ thử acid nucleic để phát hiện virus corOna. Nhật báo Hồ Bắc hồi tuần đưa tin "ổ dịch" Vũ Hán có thể xử lý 4.000 mẫu thử mỗi ngày.