Ả Rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã làm gia tăng căng thẳng và sự bế tắc của OPEC. Sự căng thẳng hiếm hoi giữa 2 đồng minh lâu năm này khiến thị trường dầu trở nên hỗn loạn. Không ai dự đoán được chuyện gì sắp xảy ra vào tháng tới.
Cuộc đối đầu gay gắt đã buộc OPEC+ phải tạm dừng đàm phán lần 2. Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào hôm nay (5/7) khiến thị trường rơi vào tình trạng lấp lửng. Cuộc thảo luận lần này được cho sẽ định hình thị trường dầu mỏ cho đến năm 2022. Do đó, giải pháp cho sự bế tắc nói trên có thể sẽ định hình thị trường và ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ trong năm tới.
Căng thẳng giữa 2 nhà sản xuất dầu chủ chốt đã bùng nổ hôm 4/7.
Ả Rập Xê út khẳng định OPEC+ nên tăng sản lượng trong vài tháng tới và gia hạn thoả thuận giữa các bên cho đến cuối năm 2022, vì mục tiêu ổn định. Ý kiến này nhận được sự hậu thuẫn của các thành viên OPEC+, bao gồm Nga. "Chúng ta phải gia hạn (việc tăng sản lượng)", Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út – Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 4/7. "Thoả thuận này sẽ đặt nhiều người vào vùng an toàn".
Trước đó vài giờ, người đồng cấp tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Suhail Al-Mazrouei tiếp tục từ chối gia hạn thoả thuận. Ông này chỉ ủng hộ tăng sản lượng trong ngắn hạn, kèm một số điều khoản tốt hơn cho UAE trong năm 2022.
"UAE có thể tăng sản lượng vô điều kiện, theo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, quyết định gia hạn thoả thuận đến cuối năm 2022 là không cần thiết", ông Al-Mazrouei nói với Bloomberg.
Trong một dấu hiệu cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, Hoàng tử Abdulaziz phát đi tín hiệu cho rằng Abu Dhabi đang bị cô lập trong liên minh OPEC+. "Điều này thật đáng buồn nhưng với tôi, đây là thực tế".
UAE đang đặt các đồng minh của mình vào thế khó: hoặc chấp nhận yêu cầu của họ, hoặc buộc UAE rời khỏi OPEC+. Nếu không đạt được thoả thuận, giá dầu thô có thể tăng mạnh.
Nhưng một kịch bản đáng lo ngại hơn cũng có thể diễn ra: OPEC+ mất đi sự thống nhất, các quốc gia thành viên sẽ thành nước xuất khẩu dầu tự do, lặp lại cuộc khủng hoảng năm ngoái. Thời điểm đó, sự bất đồng giữa Ả Rập xê út và Nga đã gây ra một cuộc chiến về giá mang tính trừng phạt.
Nhiều tháng sau, cuộc chiến về giá này mới kết thúc bằng một thoả thuận "đình chiến". Giờ đây, UAE lại gây bất ổn thị trường một lần nữa, bằng cách để ngỏ khả năng rời bỏ liên minh. Họ không đưa ra thông báo chính thức nào nhưng khi được hỏi liệu UAE có rời bỏ liên minh hay không, Hoàng tử Ả Rập Xê út chỉ nói: "Tôi hy vọng là không".
Hoàng tử Abdulaziz nói rằng nếu không gia hạn thoả thuận, sẽ có một thoả thuận dự phòng – theo đó sản lượng dầu không tăng trong tháng 8 và các tháng còn lại của năm 2021. Khi đó, nguy cơ lạm phát giá dầu có thể xảy ra. Khi được hỏi liệu OPEC+ có thể tăng sản lượng mà không có UAE trong liên minh hay không, Hoàng tử Abdulaziz nói: "Chúng tôi không thể".
Các quốc gia OPEC+, các hãng kinh doanh dầu mỏ và nhà phân tích tỏ ra sửng sốt trước mâu thuẫn và sự thiếu liên lạc rõ ràng giữa 2 bên. Hoàng tử Abdulaziz cho biết ông đã không nói chuyện với người đồng cấp ở Abu Dhabi từ hôm 3/7, mặc dù khẳng định cả 2 vẫn là bạn bè.
"Tôi chưa nhận được tin tức từ người bạn Suhail của tôi", ông nói và cho biết thêm sẵn sàng đàm phán. "Nếu ông ấy gọi cho tôi, tại sao không".
Trung tâm của các tranh chấp này là thoả thuận đầu ra của OPEC+: baseline. Mỗi quốc gia trong liên minh sẽ đo lượng việc cắt giảm hoặc tăng sản lượng của mình so với mức baseline. Con số này càng cao thì quốc gia càng được khai thác nhiều. UAE cho biết mức baseline của họ hiện khoảng 3,2 triệu thùng/ngày là quá thấp và muốn tăng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày khi thoả thuận được gia hạn vào năm 2022.
Ả Rập Xê út và Nga đã bác bỏ đề nghị này, lo ngại những thành viên khác trong OPEC+ sẽ đưa ra yêu cầu tương tự.
Hoàng tử Abdulaziz cho rằng Abu Dhabi đang đưa ra mục tiêu sản lượng mới và nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Vào tháng 4/2020, Abu Dhabi chấp nhận mức baseline hiện tại, nhưng họ không muốn tiếp tục duy trì mức đó. Họ đã chi rất nhiều tiền để mở rộng năng lực sản xuất, thu hút các công ty nước ngoài.
Tham khảo: Bloomberg