Tuy nhiên, những lo ngại xung quanh câu chuyện pháp lý cho Condotel vẫn chưa hoàn toàn được giải tỏa hết.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông đã có quan điểm xung quanh câu chuyện này.
Theo vị Luật sư này, công văn 703/BTNMT- TCQLĐĐ về bản chất không có gì mới. Nó chỉ là văn bản mang tính chất hướng dẫn nội bộ cho các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh. Các tinh thần pháp lý trong công văn này đều dựa trên tinh thần pháp lý của các Luật đã ban hành như Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở, Luật du lịch, không có gì mới.
Theo luật sư Huế, đây không phải văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là văn bản hướng dẫn. Câu chuyện đặt ra ở đây là về bản chất Condotel là căn hộ du lịch, dù là có sổ đỏ hay không có sổ đỏ thì bản chất không thay đổi.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Danh Huế chỉ ra điểm tích cực nếu cấp sổ đỏ cho Condotel:
Thứ nhất, việc cấp sổ đỏ sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn. Những chủ đầu tư làm ăn chộp giật sẽ vỡ trận. Nếu cấp sổ đỏ một cách minh bạch thì rất nhiều ông chủ đầu tư có thể bị bắt vì tội lừa đảo bán một căn hộ cho nhiều người. Đây là việc làm tích cực, thị trường sẽ minh bạch.
Thứ hai, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt sau vụ vỡ cam kết lợi nhuận Cocobay thì thị trường BĐS nghỉ dưỡng cần một cú hích. Việc cấp sổ đỏ tạo ra một cú hích cho những NĐT thứ cấp để họ có niềm tin hơn vào thị trường BĐS nói riêng, kích thích cho BĐS nói chung. Tháo gỡ khó khăn cho Condotel phần nào giúp cho chủ đầu tư trong việc bán hàng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của vị Luật sư này, Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ mang tính bề nổi, chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Nếu không có hướng dẫn chi tiết hơn sẽ dễ phát sinh 2 thứ. Đầu tiên, nếu sau này cấp sổ đỏ cho CĐT, cấp chứng nhận quyền sở hữu cho chủ đầu tư thì rủi ro vẫn thuộc về NĐT thứ cấp vì họ chỉ có cái sổ trên tay chứ không có gì.
Hai là, nếu cấp sổ đỏ, tức quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho NĐT thứ cấp thì dễ phát sinh ra một vấn đề: Quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp cấp cho DN còn quyền sở hữu tài sản lại cấp cho NĐT thứ cấp thì việc xử lý sẽ như thế nào. Chẳng hạn, thời hạn cấp là 50-70 năm, khi thời hạn cho thuê đất sử dụng đất đã hết thì tài sản mà cấp quyền sở hữu cho NĐT thứ cấp sẽ xử lý như thế nào.
Chưa có Luật nào quy định xử lý tài sản như thế nào. Chưa kể, nếu đợt tới cấp sổ đỏ cho NĐT thứ cấp rất nhiều NĐT đã đi vay ngân hàng trước đó, sau khi có sổ đỏ, NĐT thứ cấp lại cầm sổ đi vay ngân hàng tiếp, liệu có ngân hàng nào cho 1 người vay nhiều lần. Vì thế, theo Luật sư Huế, dù có những điểm tích cực nhưng văn bản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường còn có những hệ lụy của nó nên NĐT cần cẩn trọng.